Nữ sinh lớp 8 ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị đánh hội đồng: Làm sao ngăn chặn bạo lực học đường?
Trên mạng xã hội mới đây xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một em gái mặc đồng phục học sinh bị 2 người khác đánh liên tiếp vào đầu, đạp vào người khiến dư luận bức xúc.
Công an xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mời nhóm thiếu nữ từ 14 - 16 tuổi đến lấy lời khai, xác định nguyên nhân vụ đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8.
Nữ sinh bị đánh là N.T.T (học lớp 8, trường THCS Quang Trung, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức).
T. bị một bạn học cùng trường nhưng đã nghỉ học hơn 1 năm hẹn ra khỏi trường rồi cùng nhóm người đi chung đánh. Sau đó sự việc nữ sinh T. bị đánh được đăng tải lên mạng xã hội.
Trong clip dài hơn 3 phút xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh T. bị 2 người mặc áo khoác đen đánh liên tục vào mặt, đạp lên người. Trong đó có một người cầm mũ bảo hiểm đánh trực tiếp lên đầu nữ sinh. Một số người có mặt tại hiện trường cùng người quay lip liên tục reo hò “cổ vũ” trước hành động em học sinh bị đánh.
Một em mang áo khoác đen dùng mủ bảo hiểm đánh vào vùng đầu nữ sinh. |
Khu vực xảy ra vụ việc ở đường 11, đoạn gần khu công nghiệp Sonadezi (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức).
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn giữa người mặc áo khoác đen với nữ sinh về chuyện “xưng hô bất lễ”, nên hẹn T. ra địa điểm trên để nói chuyện và xảy ra đánh hội đồng như clip.
Vụ việc trên xảy ra từ ngày 3/4 và đến sáng 9/4, clip được tung lên mạng xã hội.
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc việc học sinh của mình bị đánh như vậy. Chúng tôi đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc”.
Trước việc xuất hiện ngày càng nhiều những clip bạo lực học đường, chuyên gia giáo dục cho rằng, các cơ sở giáo dục cần chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp trường lớp.
Cụ thể là các trường cần tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung trong bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường đã được ban hành.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó là tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban an ninh, Tổ tư vấn tâm lý, các tổ chức đoàn thể nhằm phát hiện sớm các mâu thuẫn trong học sinh để tư vấn, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ việc bạo lực trong và ngoài nhà trường đối với học sinh.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh qua môi trường mạng; quán triệt, nhắc nhở học sinh không đưa các video, clip có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, an toàn của nhà trường lên mạng; chấm dứt tình trạng học sinh phát sinh mâu thuẫn trên mạng dẫn đến bạo lực học đường...
Trong trường hợp xảy ra vi phạm, sẽ hạ bậc thi đua, hoặc không xem xét thi đua đối với các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc không nghiêm túc triển khai thực hiện, để xảy ra nhiều vụ việc tai nạn, thương tích, đuối nước hay các vụ bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, giáo viên phải là người gương mẫu về thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường như phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học.
Đồng thời, tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Ứng xử với cha mẹ người học và khách đến trường, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
Đặc biệt, người học phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực với bạn học, với cán bộ giáo viên.
Khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
Hoàng Thanh