Còn dư địa để ngân hàng tăng trưởng tín dụng, giải 'cơn khát’ vốn cho doanh nghiệp
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, hiện các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tập trung kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại. Theo ước tính của các đơn vị nghiên cứu, lượng tín dụng được phân bổ thực tế chỉ vào khoảng 175.000 - 200.000 tỷ đồng. NHNN còn giữ lại chưa phân bổ khoảng 200.000 tỷ đồng.
Theo HoREA, NHNN hiện vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1 - 2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế, giải "cơn khát vốn" của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
HoREA cho rằng các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng, dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước.
Chính vì thế, HoREA kiến nghị NHNN và Chính phủ xem xét có thể nới trần tín dụng thêm khoảng 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… của các chủ đầu tư uy tín; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và dự án nhà ở xã hội.
Không chỉ có HoREA, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng đã tổng hợp ý kiến, tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội về những khó khăn, thách thức liên quan đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.
Đứng đầu các khó khăn liên quan đến tài chính vẫn là thiếu vốn lưu động. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cân nhắc để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Trong đó, có đề xuất NHNN nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản.
Trước thực tế này, mới đây nhất NHNN cho biết, tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cơ quan này cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.
Cho rằng, tín dụng là kênh quan trọng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thời điểm này, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, nếu hạn chế tín dụng giai đoạn này thì vô hình trung làm giảm lực phục hồi của doanh nghiệp, trong khi lúc này chiến lược của chúng ta là hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19. Song vẫn phải kiểm soát có hiệu quả, không để tăng trưởng tín dụng một cách quá nóng và ồ ạt.
Còn TS Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) thì cho rằng, room tín dụng là vấn đề mà NHNN nên xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông Tuấn, khi room tín dụng vẫn là một công cụ để kiểm soát cung tiền trên thị trường thì có thể linh hoạt hơn bằng cách giao tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ đầu năm. NHNN nên có những tính toán và xem xét những ngân hàng thương mại nào đảm bảo các điều kiện để giao room từ đầu năm và chủ động điều tiết trong room đó.
Đồng thời, xem xét không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành mà chỉ nên ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao.
Minh Thư