Nỗi ân hận xót xa của người vợ có chồng chết trên đường trốn chạy của lao động chui từ Anh sang Pháp
Tin người, muốn làm tắt cho nhanh nên chị Tân sẵn sàng nộp tiền để chồng ra nước ngoài tìm việc không qua đường chính thức. Chưa kịp đặt chân đến miền đất hứa, chồng chị Tân đã bỏ mạng trên đường chạy trốn
Chị Trần Thị Tân day dứt khi nhắc đến cái chết của chồng. |
Chị Trần Thị Tân (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có chồng là nạn nhân trong một cuộc chạy trốn từ Pháp đến Anh, nhưng anh đã phải bỏ mạng sống của mình nơi xứ người, để lại vợ và hai đứa con thơ dại.
Đến giờ, nỗi đau mất chồng vẫn hiện hữu trên khuôn mặt người phụ nữ trẻ. Nhớ lại thời điểm quyết định để chồng mưu sinh nơi xứ người, Tân ngân ngấn nước mắt kể: “Vì tương lai con cái nên vợ chồng bàn nhau sẽ đi xuất khẩu lao động''.
Do thiếu hiểu biết, tin người nên vợ chồng Tân đã không tìm đến trung tâm uy tín mà chỉ nghe qua lời giới thiệu và bỏ tiền ra nhờ họ làm thủ tục.
“Khi biết lời hứa họ đưa ra không như thực tế thì đã quá muộn. Cũng là do tin người và muốn làm tắt mọi thứ cho nhanh”, Tân nghẹn giọng.
Nghe các chị em trong xóm nói, tại huyện có tổ chức nói chuyện, hướng dẫn người đi xuất khẩu lao động cho an toàn em đã đăng ký tham gia.
“Đến đây càng nghe càng buồn, càng hối hận, nếu như vợ chồng em dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu trước khi quyết định chắc không đến nỗi này.
Khi tham gia các cuộc truyền thông, được nghe các chia sẻ của mọi người đã đi về rút ta được bài học nếu đi tìm con đường chính thống, hiểu hơn về những sai lầm nếu di cư bất hợp pháp. Có thể sau này nếu có cơ hội em cũng sẽ đi, vì em còn trẻ và cần lo cho hai đứa con nữa. Nhưng chắc chắn sẽ không phạm sai lầm như chồng em và sẽ tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định”, Tân nói.
Đánh giá hiệu quả của những cuộc đối thoại về di cư, xuất khẩu lao động được tổ chức trên địa bàn huyện, bà Trần Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Thành cho biết, những cuộc đối thoại này đem lại cho người dân nhiều kiến thức bổ ích.
Với mong muốn tác động vào nhận thức để từng bước thay đổi hành vi, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã và đang có nhiều cách thức truyền thông và dành cho nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau.
Không chỉ tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới hội viên hội phụ nữ, được biết Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Yên Thành nói riêng còn phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu kiến thức về “Di cư an toàn và phòng chống mua bán người” tại các trường học, đối tượng tiếp cận là học sinh, sinh viên.
Với hình thức sân khấu hóa những nội dung liên quan đến xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch và những thủ đoạn của hoạt động buôn bán người, các em được nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về những nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán từ việc di cư lao động không an toàn. Từ đó có trách nhiệm hơn và cùng chung tay, góp sức đẩy lùi nạn mua, bán người.
Theo số liệu của tổ chức di cư quốc tế (IOM), Nghệ An là một trong số 3 địa phương có tỉ lệ lao động ra nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Việc đi lao động ở nước ngoài của người Việt đã phần nào làm thay đổi diện mạo của không chỉ cá nhân, gia đình mà còn góp phần khởi sắc cho nhiều địa phương trong cả nước.
Bên cạnh những mặt đạt được, XKLĐ vẫn còn tồn tại những góc khuất, lỗ hổng và việc này đã gây ra những hậu quả rất đáng tiếc. Đó là ý thức tổ chức kỷ luật của lao động Việt ở xứ người kém, tỉ lệ bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp tăng là nguyên nhân chính dẫn đến việc, nhiều thị trường lao động ra thông báo không tiếp nhận lao động Việt Nam là người Nghệ An.
Cánh cửa xuất khẩu lao động chính ngạch với nhiều thủ tục ràng buộc, lại dần bị thu hẹp bởi nhiều thị trường từ chối điều này cũng khiến cho tình trạng xuất khẩu lao động chui nở rộ. Câu chuyện 39 thi thể người Việt được phát hiện trong thùng container khi đang cố tình vượt biên trái phép từ Bỉ sang Anh để mưu sinh là lời cảnh tỉnh.
Theo đó, người lao động di cư nói chung và di cư bất hợp pháp nói riêng có thể gặp phải rủi ro bị bóc lột, kể cả việc lao động cưỡng bức và buôn bán người.
Nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động này, thời gian qua cấp cấp hội, ban ngành tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều buổi truyền thông đối thoại chính sách về về di cư an toàn và phòng chống mua bán người.
Thông qua những buổi truyền thông này, người dân đã được cung cấp các thông tin thiết thực, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ khi di cư đồng thời có biện pháp phòng tránh mua bán người, giúp người dân giải đáp những thắc mắc và cung cấp các kênh tuyển dụng lao động nước ngoài...
N. Huyền - Ngân Huyền