Nợ 200 triệu là phá sản DN: Không dễ “chết” như vậy!
Tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN) phá sản theo dự thảo sửa đổi Luật Phá sản là DN nợ 200 triệu đồng trở lên, trong thời gian ba tháng không trả được.
Nợ của DN ngày càng "khủng"
Theo EVN, việc nâng giá bán than cho điện đã khiến chi phí đầu vào ngành điện tăng thêm 4.000 tỷ đồng trong năm 2013. Giá bán khí tăng cũng khiến “nhà đèn” phải trả thêm 3.200 tỷ đồng đầu vào. Tổng cộng, nửa đầu năm 2013 số dư nợ của ngành điện đối với than và khí đang “treo” gần 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ riêng EVN, nhiều tập đoàn, DN cũng đang nợ “chất đống”, thậm chí nhiều người ví có những số dư nợ của DN “chất cao như hàng tồn kho”. Đơn cử như trường hợp của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 122- Cienco1 cũng đang “vướng” vào vòng nợ nần. Dự án hoàn thành vài ba năm nhưng bị đối tác “chây ì” thanh toán đã khiến Cienco1 lâm vào tình trạng khó khăn. Chỉ tính riêng tiền nợ đọng thuế năm 2012 của DN này là 81 tỷ đồng.
DN BĐS vướng nợ |
Ngoài trường hợp nợ “khủng” của EVN, hiện tại nhiều tập đoàn, DN cũng vướng vào vòng xoáy nợ nần. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt cái tên như Sông Đà Thăng Long, Công ty cổ phần Cầu 12 – Cienco1 … đang bị liệt vào danh sách “báo động” về tài chính.
Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của Sông Đà Thăng Long, nợ của đơn vị này là hơn 5.070 tỉ đồng cuối quý I/2012, chiếm hơn 96% tổng tài sản. Năm 2011, công ty này lỗ hơn 14 tỷ đồng và năm 2012 âm trên 181 tỷ đồng.
Còn tại Cienco1, theo báo cáo tài chính năm 2012, lợi nhuận sau thuế DN chỉ đạt 12,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2012, nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của công ty này cũng lên đến 108,12 tỷ đồng.
Liệu với số nợ “khủng” EVN, Sudico hay Cienco1… có bị coi là DN phá sản nếu “chiểu” theo đề xuất trong dự thảo Luật Phá sản sửa đổi khi không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên trong thời gian ba tháng?
Vô lý
Chia sẻ với Infonet, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều kiện “nợ 200 triệu đồng trong 3 tháng không trả được sẽ cho phá sản” chỉ phù hợp với loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ, DN gia đình… số vốn ít ỏi 200 triệu đồng có thể chiếm gần hết vốn kinh doanh của họ. Còn với DN lớn, vốn hàng tỷ, hàng trăm tỷ đồng thì 200 triệu đồng dư nợ chẳng bõ bèn gì. Hiện đang tồn tại nhiều thành phần DN tồn tại nên không thể đưa ra một điều kiện phá sản để … đánh đồng tất cả DN với nhau. “Nợ một tỷ lệ rất nhỏ mà lại bảo DN người ta phá sản thì không thể chấp nhận được” – ông nói.
Cùng quan điểm cho rằng đây là “sự bày đặt vô lý”, TS. Vũ Đình Ánh thẳng thắn, việc đưa ra điều kiện DN nợ 200 triệu đồng thời hạn nợ 3 tháng không trả được thì cho DN phá sản là bất khả thi.
“Căn cứ vào đâu để đưa ra mức này, nguyên tắc DN nợ một đồng đã có thể cho phá sản được rồi, cần gì phải nợ tới 200 triệu đồng trong những 3 tháng? Phải hiểu đây chỉ là điều kiện để có thể tuyên bố phá sản, khác với chuyện DN phải phá sản nhưng lại không muốn phá sản, hoặc bị ép phá sản. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau ”- TS. Ánh nói với PV Infonet.
TS. Ánh nói thêm: DN kinh doanh và nợ là chuyện bình thường. Thời gian qua có những DN có số dư nợ “khủng” nhưng vẫn không phá sản vì họ vẫn cân đối được nguồn để trả trong một thời gian nhất định. Thế nên không thể “bỏ hết vào một giỏ” được.
Trở lại trường hợp số dư nợ quá lớn của EVN, nếu “áp nợ” 200 triệu đồng không khả thi, dù EVN có nợ thế, nợ thêm nữa thì cũng … không thể phá sản vì bản chất EVN là một DN “đặc biệt”.
“EVN là DN công ích, đươc sự bao bọc của Nhà nước nên họ sẽ không thể phá sản một cách dễ dàng như thế. Nếu ngành điện mà “chết” thì cả nền kinh tế cũng “đi” theo”- ông giải thích.
Còn những DN lớn như Sudico, hay Cienco1… nếu nợ 200 triệu đồng trong thời hạn 3 tháng mà đã “lâm vào tình trạng” phá sản thì “cái chết dễ dàng quá”.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, nếu đã đưa ra điều kiện để DN được “chết” dễ hơn thì phải xét một cách toàn diện, thận trọng. Nên chọn ngưỡng khởi điểm cao hơn 200 triệu đồng, tính toán tỷ lệ như số nợ không trả được trên tổng số nợ, hay tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu… để xem khả năng trả nợ của DN như thế nào, trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể.
Sở dĩ lâu nay Luật Phá sản có hiệu lực nhưng không đi vào cuộc sống vì quy trình thủ tục liên quan tới phá sản quá phức tạp khiến cả “con nợ” không muốn phá sản và “chủ nợ” cũng không muốn con nợ phá sản.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh nhìn nhận “khi 2 bên chẳng được lợi ích gì từ chuyện phá sản mà phải chạy theo hầu tòa, tốn kém chi phí thêm thì không ai quan tâm tới việc phá sản và chẳng chủ nợ nào mong con nợ của mình bị phá sản hết”.
Vì thế, ông đề nghị lần này sửa đổi tiêu chí phải rõ ràng hơn, căn cứ vào vốn của DN chứ không phải cứ “vẽ” ra tiêu chí thế nào cũng được. Ngoài ra, luật sửa đổi cũng nên bổ sung điều kiện “siết” hơn, như DN phải tuân thủ pháp luật, phải đóng thuế đầy đủ …. nếu không đến khi phá sản mới “vỡ” ra thì rất khó xử lý.
6 tháng đầu năm có 28.755 DN khó khăn, ngừng hoạt động, trong đó có 4.499 DN đã chính thức giải thể hẳn. Con số này tăng 1,8% so với 6 tháng đầu năm 2012 và tăng 10,54% so với cùng kỳ.