Những thay đổi vượt bậc của ngành y tế Vĩnh Phúc
Công nghệ thông tin đã trở thành công cụ hữu ích cho cải cách hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm quá tải, nâng cao hiệu suất làm việc, giải quyết, xử lý nhanh công việc, giảm thiểu sự cố y khoa.
Theo Sở Y tế Vĩnh Phúc, đến nay toàn tỉnh có 100% các bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện tư nhân và bệnh viện ngành sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) trong quản lý, điều hành và ứng dụng trong khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế.
100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử, bảo đảm công khai, minh bạch.
Hiện 100% các bệnh viện có phần mềm kết nối tự động các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, tự động trả kết quả trên hệ thống, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, 9/9 huyện, thành phố đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho trên 85% dân số.
Vĩnh Phúc là tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế từ rất sớm. Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế tỉnh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2021-2022, Vĩnh Phúc hoàn thiện Trung tâm điều hành y tế, tích hợp thành công với trục tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Đối với công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, đến năm 2021, có 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện triển khai hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh và hệ thống lưu trữ, thu nhận hình ảnh (RIS-PACS) ở mức cơ bản, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở mức cao; tối thiểu 50% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai bệnh án điện tử và thanh toán online; 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án và ký số điện tử.
BV Đa khoa khu vực Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Đến năm 2023, có 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai bệnh án điện tử và thanh toán online.
Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 cho thấy công tác khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về khám chữa bệnh cơ bản đạt theo Nghị quyết 03 với tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, 14 bác sỹ/vạn dân, 4 dược sỹ đại học/vạn dân, 93,5% dân số tham gia BHYT; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế từng bước được nâng lên, các đơn vị y tế triển khai trung bình 130-150 dịch vụ kỹ thuật mới.
Năng lực y tế của ngành đáp ứng linh hoạt, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Năng lực xét nghiệm sẵn sàng đáp ứng 8.000 mẫu đơn/ngày, đủ khả năng khẳng định kết quả xét nghiệm tại tỉnh; sẵn sàng điều trị khoảng 3.000 ca mắc; tiêm vắc xin đạt gần 40.000 liều/ngày.
Đến nay, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid -19 mũi 1 toàn tỉnh đạt trên 91%, riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt 100% người lao động đã được tiêm tối thiểu 1 mũi.
Để tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Dự thảo Đề án về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 xác định xây dựng Vĩnh Phúc thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực phía Bắc, có sự liên kết chặt chẽ với các bệnh viện vùng Thủ đô Hà Nội.
Ngành y tế vẫn tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các khoa vệ tinh của bệnh viện tuyến tỉnh tại trung tâm y tế huyện.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực y tế, đạt tỷ lệ 15 bác sỹ/vạn dân; 20% bác sĩ tại các bệnh viện hạng I có trình độ chuyên khoa cấp II, tiến sĩ.
Theo kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển kỹ thuật trong khám chữa bệnh theo phân tuyến đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025, các bệnh viện tuyến tỉnh tăng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến bình quân đạt trên 75% kỹ thuật, khuyến khích thực hiện kỹ thuật của tuyến trên; trung tâm y tế các huyện bình quân thực hiện được trên 50% kỹ thuật tại tuyến, khuyến khích thực hiện kỹ thuật của tuyến trên.
Tuyến xã củng cố, duy trì bền vững kết quả của giai đoạn trước, bảo đảm chất lượng theo phân tuyến và phân vùng.
K.Chi