Những gói đầu tư "khủng" của giới tập đoàn kinh tế Hàn Quốc vào Việt Nam
Theo Korea Herald, nhằm tìm kiếm những cơ hội mới cũng như gia tăng sức cạnh tranh và thay đổi viễn cảnh ngành công nghiệp và sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang mở rộng hoạt động đầu tư vào nhiều thị trường mới ở ASEAN trong đó có Việt Nam.
Hyosungcó kế hoạch đầu tư thêm 6 tỷ USD vào Việt Nam. |
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng mức thu nhập trung bình gia tăng và sự ổn định chính trị lớn, ASEAN trở thành điểm đến an toàn và đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Cụ thể, các công ty công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc không chỉ cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin (IT) hiện đại cho các nước Đông Nam Á mà còn đóng góp trực tiếp công sức giúp nhiều nước trong khu vực nâng mức tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động đầu tư quy mô lớn.
Kể từ năm 2009, Samsung Electronics đã cho vận hành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất ở Hà Nội. Đây chính là nơi sản xuất ra phần lớn sản phẩm điện thoại thông minh được Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới.
Sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7 – 9 năm nay và giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,88% trong quý III.
Trong khi đó, LG Electronics điều hành nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng ở thành phố Hải Phòng. Kể từ năm 2015, nhà máy này trở thành trung tâm cung cấp cho thế giới các mặt hàng tivi, điện thoại di động, máy giặt và điều hòa. Đây là lý do LG Electronics cho triển khai kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD từ năm 2013 – 2028.
Ngoài ra, LG Chem, công ty sản xuất pin của tập đoàn LG cũng đang xem là Việt Nam là điểm đến quan trọng để mở rộng thị trường xe điện toàn cầu.
Theo đó, LG Chem đã hợp tác với VinFast, công ty sản xuất ô tô duy nhất của Việt Nam, để xây dựng một nhà máy pin dùng cho xe chạy điện (EV) cũng như trở thành nguồn cung cấp pin cho các nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines.
Bên cạnh đó, tập đoàn Mobile Carrier KT mới đây đã ký kết hiệp ước đối tác với tập đoàn xây dựng lớn nhất của Việt Nam là Tập đoàn Hòa Bình xây dựng các khách sạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành để, từ đó hướng tới triển khai các dự án thành phố thông minh ở Đông Nam Á.
Trong một tuyên bố bất ngờ, hồi tháng trước, tập đoàn SK Group cho hay sẽ đầu tư khoảng 530 tỷ won (467,7 triệu USD) để mua 9,5% cổ phần của Tập đoàn Masan Việt Nam. Masan vốn là công ty thực phẩm và nước uống lớn nhất của Việt Nam. Công ty còn hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, khoáng sản và kinh doanh tài chính. Tuyên bố từ SK Group nằm trong chuỗi kế hoạch đầu tư mới nhất được tập đoàn này triển khai ở thị trường ASEAN.
Tập đoàn công nghệ và năng lượng này còn tìm kiếm nhiều cơ hội kinh doanh trong khu vực thông qua các cơ sở hoạt động ở Việt Nam và Malaysia. Thậm chí, SK Group còn cho thiết lập một công ty đầu tư ở Singapore. Từ IT cho tới cơ sở hạ tầng, SK hiện là nhà đầu tư năng động và mới đây còn bắt tay với Grab, ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. SK còn nắm 25% cổ phần ở khu khai thác dầu khí thuộc lô 15-1 của Việt Nam.
Xem Việt Nam nắm giữ vị trí chiến lược trong tham vọng mở rộng hoạt động khắp toàn cầu, tập đoàn dệt may lớn của Hàn Quốc là Hyosung cũng có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào Việt Nam. Trước đó, Hyosung đã cho đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam.
Cụ thể, kể từ năm 2007, Hyosung đã đầu tư 1 tỷ USD vào vận hành các nhà máy sản xuất vải spandex và sợi vải mành trong lốp xe ở Đồng Nai, thành phố công nghiệp nằm gần TP.HCM. Với dự án đầu tư mới, Hyosung có kế hoạch tham gia vào hoạt động kinh doanh hóa chất và công nghiệp nặng ở Việt Nam, theo chia sẻ của văn phòng Hyosung ở Việt Nam.
Trong khi đó, nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Hàn Quốc Hyundai Mobis đã cho mở một “trung tâm bản đồ dữ liệu” chung với một công ty ở khu công nghệ khoa học tại TP.HCM vào năm ngoái. Đây sẽ là trung tâm thúc đẩy kế hoạch phát triển các thế hệ ô tô tự lái.