Những địa danh xuất hiện trên các đồng tiền Việt Nam
Tiền mặt là thứ chúng ta sử dụng hàng ngày để làm phương tiện thanh toán. Mặc dù hàng ngày chạm tay vào tiền với đủ loại mệnh giá, nhưng đã bao giờ bạn để ý đến những họa tiết và địa danh được in lên mỗi đồng tiền?
Không kể tiền kim loại, NHNN Việt Nam đã và đang lưu hành 12 đồng tiền in trên chất liệu cotton và polyer có mệnh giá từ 100 đồng đến 500.000 đồng. Mỗi đồng tiền không chỉ có giá trị thanh toán mà còn có ý nghĩa lưu giữ giá trị lịch sử phát triển của đất nước.
Tháp chùa Phổ Minh trên tờ 100 đồng
Tờ giấy bạc 100 đồng được phát hành lần đầu vào ngày 02/05/1992. Dù tờ giấy bạc 100 đồng gần như đã không còn trong hệ thống lưu thông tiền tệ hiện nay.
Mặt sau của đồng tiền này có in phong cảnh tháp Phổ Minh, một công trình kiến trúc trong khuôn viên chùa Phổ Minh (hay còn gọi là chùa Tháp), thuộc quần thể Khu di tích Đền Trần (thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định). Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sử cũ và truyền thuyết tại địa phương cho biết, ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý và được mở rộng dưới thời Trần.
Cánh đồng lúa 5 tấn trên tờ bạc 200 đồng
Tờ giấy bạc 200 đồng in trên giấy cotton, được phát hành ngày 30/09/1987 hiện rất hiếm gặp. Mặt sau của đồng tiền là cảnh sản xuất nông nghiệp được cho là cánh đồng lúa 5 tấn ở Thái Bình.
Thái Bình được mệnh danh là "quê hương 5 tấn" bởi năm 1965 tỉnh đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha.
Cảng Hải Phòng trên tờ giấy bạc 500 đồng
Tờ giấy bạc 500 đồng được phát hành lần đầu vào ngày 15/08/1989 trên chất liệu cotton. Mặt sau của tờ tiền này được in hình ảnh Cảng Hải Phòng, một biểu tượng của Việt Nam thời kỳ Đổi mới và hội nhập với thế giới.
Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt tay vào xây Cảng nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành một quân cảng và thương cảng lớn, phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp.
Đại ngàn Tây Nguyên trên tờ giấy bạc 1.000 đồng
Tờ giấy bạc 1.000 đồng đầu tiên được phát hành ngày 20/10/1989 và vẫn có giá trị sử dụng cho đến nay. Kích thước 134mm x 65mm, mặt sau của tờ 1.000 đồng được in cảnh khai thác gỗ và vận chuyển gỗ bằng voi, một phương thức phổ biến tại Tây Nguyên ở thế kỷ XX.
Công nhân Dệt Nam Định trên tờ giấy bạc 2.000 đồng
Tờ giấy bạc 2.000 đồng đầu tiên được phát hành cùng ngày với tờ 1.000 đồng, 20/10/1989. Mặt sau của tờ tiền này được in hình xưởng dệt tại Nhà máy Dệt Nam Định, trong đó có 3 nữ công nhân đang làm việc.
Nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi người Pháp. Năm 1954, nhà máy được tiếp quản bởi nhà nước và là một cái tên gắn với thành phố Nam Định. 13.000 công nhân viên chức đã từng làm việc trong nhà máy này. Có những thời điểm, 1/4 dân số thành phố Nam Định làm trong Nhà máy Dệt Nam Định. Đến nay phần lớn nhà máy đã bị phá bỏ, di dời xưởng sản xuất ra ngoại thành, khu đất nhà máy được thay thế bằng một khu đô thị mới.
Nhà máy thủy điện Trị An trên tờ giấy bạc 5.000 đồng
Trong số các mệnh giá tiền cotton còn đang lưu hành, tờ giấy bạc 5.000 đồng ra đời muộn nhất, từ 15/01/1993. Mặt sau của tờ tiền này được in hình ảnh phong cảnh thủy điện Trị An (thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Nhà máy Thủy điện Trị An được thành lập 02/12/1987. Thời điểm hình thành công trình Thuỷ điện Trị An mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu dân sinh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hoà và vùng châu thổ sông Đồng Nai, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội thời kỳ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Công trình Thủy điện Trị An là thành quả của tình hữu nghị Việt - Xô và công sức đóng góp quý báu của nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước.
Mỏ dầu Bạch Hổ trên tờ 10.000 đồng
Năm 2006, NHNN thay thế tờ 10.000 đồng bằng chất liệu polymer. Trên tờ giấy bạc này có cảnh khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, nằm ở vị trí Đông Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km.
PGS.TS Hoàng Văn Quý, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - thiết kế dầu khí biển cho biết: "Thành công lớn nhất, mang tính lịch sử đặc biệt nhất của ngành dầu khí Việt Nam chính là ở mỏ Bạch Hổ. Nó quyết định đến toàn cục thất bại hay phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Chính mũi khoan tìm thấy dòng dầu thương mại lớn ở mỏ Bạch Hổ ngày 6/9/1988 đã xóa tan quan điểm cũ rằng cứ khoan đến tầng đá móng mà không thấy dầu thì nghĩa là không có dầu. Từ đó, hơn 20 mỏ đã thành công và dầu thu được từ đá móng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thu được của toàn ngành dầu khí Việt Nam.
Chùa Cầu trên tờ giấy bạc 20.000 đồng
Tờ 20.000 đồng chất liệu polymer phát hành ngày 17/05/2006, mặt sau in hình Chùa Cầu, Hội An, Quảng Nam. Cây cầu cổ ở Hội An còn được gọi là cầu Nhật Bản do được xây dựng bởi các thương nhân Nhật Bản.
Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là chùa Cầu.
Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu trên tờ 50.000 đồng
Tờ giấy bạc 50.000 đồng được phát hành 17/12/2003 và là tờ tiền polymer đầu tiên. Mặt sau của tờ tiền là phong cảnh Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu ở thành phố Huế.
Nghinh Lương Ðình là nơi dùng để các vua hóng gió, ngắm cảnh, có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra.
Cách đó không xa, Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Khuê Văn Các trên tờ 100.000 đồng
Tờ giấy bạc polymer 100.000 đồng được phát hành ngày 01/09/2004, in hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Văn miếu - Quốc Tử giám. Khuê Văn Các được xây vào năm 1805.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc với chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Hòn Đỉnh Hương trên tờ 200.000 đồng
Hòn Đỉnh Hương thuộc quần thể Vịnh Hạ Long được chọn in trên tờ polymer 200.000 đồng ngay khi ra mắt tờ tiền này vào ngày 30/08/2006.
Hòn Đỉnh Hương là phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất.
Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được tạo nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động.
Ngôi nhà tranh tại làng Sen quê Bác trên tờ 500.000 đồng
Tờ giấy bạc 500.000 đồng được phát hành ngày 17/12/2003. Phong cảnh nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Toàn bộ khu di tích bao gồm 4 cụm chính: khu quê ngoại (làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa), khu quê nội (làng Sen), núi Chung (xã Kim Liên) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) thuộc xã Nam Giang.
Ngân Giang