Những cái kết đau lòng khi học sinh bị tấn công trên không gian mạng
Bắt nạt học đường đang có xu hướng dịch chuyển sang mạng xã hội trong thời gian học sinh học trực tuyến nhất là khi học sinh chưa được trang bị những kỹ năng để sử dụng không gian mạng hiệu quả.
Thầy giáo N.B.T giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cho biết đã mấy tháng trôi qua nhưng giáo viên này vẫn chưa quên việc học sinh của mình bị tấn công trên mạng xã hội.
Theo đó chỉ vì trót bình luận về một ngôi sao nhạc Hàn đang nổi mà nữ sinh này bị một nhóm học sinh của trường đã lập hẳn fanpage để tẩy chay. Vì không thể gặp trực tiếp, nhóm đã lập một fanpage nói xấu về em học sinh này, lập nick ảo vào facebook cá nhân của em để công kích, thậm chí là đe dọa, chửi rủa... khiến em này rất sợ hãi và không dám bật camera trong buổi học trực tuyến.
Sau đó, nhờ sự can thiệp của giáo viên và ban giám hiệu thì hành động của nhóm học sinh tẩy chay kia đã dừng lại. Tuy nhiên, hậu quả vẫn dai dẳng, từ một học sinh hoạt bát nữ sinh trở nên sống khép kín, thậm chí không dám tiếp xúc với ai.
Ảnh minh họa |
Bắt nạt trực tuyến như câu chuyện trên không phải trường hợp cá biệt khi cách đây 2 năm dư luận xã hội cũng không khỏi bàng hoàng về vụ việc nữ sinh H.T.L. (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của H.T.L. được cho là vì clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị phát tán trên mạng xã hội đã thu hút hàng triệu lượt xem kèm theo nhiều bình luận ác ý.
Rồi vụ việc nam sinh ở Yên Bái thắt cổ tự tử dưới bếp vì hình ảnh mình bị đánh ở trường lan truyền trên mạng xã hội... Cái chết của nam sinh này đã khiến dư luận cùng nhìn nhận lại sự nguy hiểm trước nạn bắt nạt trực tuyến ở trẻ.
Bắt nạt trực tuyến phần lớn xuất phát từ trêu đùa cho vui song hậu quả để lại là rất lớn.
Dù tình trạng học sinh bị bắt nạt trên không gian mạng xảy ra khá nhiều, song hiện nay các chương trình mang tính phòng ngừa nạn bắt nạt học đường hiện nay tại các trường học còn rất hạn chế.
Để chủ động bảo vệ con, các bậc cha mẹ nên chú ý xem con mình có những dấu hiệu bất thường nào để can thiệp, giúp đỡ và quan trọng là tìm cách chia sẻ với con hoặc khuyến khích con đến gặp chuyên gia tâm lý nếu con bị đe dọa trên không gian mạng.
Hoàng Thanh