Các bậc phụ huynh cũng phải học kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Các bậc phụ huynh cũng phải học kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên internet. Bởi nếu thiếu kiến thức và kỹ năng, chính một số hành động của cha mẹ sẽ đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em đã tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử qua môi trường internet như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngoài giờ học trực tuyến trẻ em cũng thường truy cập internet, mạng xã hội để giải trí, chơi trò chơi… Nhưng trẻ em hầu hết chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Một thực tế là dù xã hội có phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống xã hội nhưng do những ảnh hưởng hết sức tiêu cực từ các thiết bị công nghệ đến sức khoẻ tâm sinh lý, cả hành vi và quan niệm sống của giới trẻ nên chúng ta cần hạn chế cho trẻ quá nhỏ được sử dụng các thiết bị công nghệ. Điều đó cũng giúp trẻ tránh được các nguy cơ xâm hại trên không gian mạng.
Nhiều chuyên gia từng chỉ ra rằng, lứa tuổi bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ càng muộn càng tốt.
Sau khi đã được hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng và đảm bảo các nguyên tắc sử dụng Internet, trẻ từ 14 tuổi có thể sử dụng các thiết bị công nghệ trong sự hướng dẫn, giám sát của cha mẹ và thầy cô giáo.
Ảnh minh họa |
Hiện nay, do học trực tuyến là giải pháp tình thế nên trẻ được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ sớm hơn và có hội chứng “nghiện internet”. Tuy nhiên, dù phụ huynh dùng những lừi lẽ trách mắng và các lệnh cấm sẽ không có tác dụng với con trẻ.
Trong trường hợp này nếu là phụ huynh bạn cần cùng con bố trí lại thời gian biểu, xem xét mức độ áp lực của việc học tập cũng như mối quan hệ của con với bạn bè. Thời gian này bạn rất nên ngủ cùng con, dành thời gian chia sẻ, tâm sự, thậm chí cùng con học cha mẹ nên đóng vai là học sinh để con giảng lại các kiến thức mà con đã học ở nhà trường.
Khi các con nhận được sự quan tâm và đồng hành đúng nghĩa thì trẻ sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi và thời gian sử dụng mạng Internet của mình.
Cùng với đó, các bậc phụ huynh cần tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn như khuyến khích trẻ nhỏ hoặc các em lứa tuổi "teen" tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh. Tạo lập các khoảng không gian và thời gian không có thiết bị trong nhà (thời gian ăn, ngủ, chơi và học). Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ - một số họ có thể mang vỏ bọc khác. Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bố trí dành thời gian với trẻ trên mạng, cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng; Nói chuyện với trẻ đặc biệt các em lứa tuổi "teen" về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.
Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn, hãy nói với con rằng nếu trẻ có trải nghiệm trên mạng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi, trẻ có thể nói chuyện với bố mẹ mà không sợ bố mẹ sẽ nổi giận hay phạt trẻ.
Bố mẹ cũng nên chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ. Lưu ý nếu con có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến. Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên tích cực. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, do đó, bố mẹ cần điều chỉnh thông điệp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm riêng của con mình.
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý những bức ảnh của con không nên đăng trên mạng xã hội như ảnh nơi con em đến trường, ảnh có đầy đủ họ tên của trẻ, khi đi học, trẻ thường mang những trang phục và ba lô ghi rõ tên tuổi của mình - cha mẹ không nên chia sẻ hình ảnh mà người xem có thể nhìn thấy rõ tên và địa chỉ của con mình.
Các bậc phụ huynh cũng phải học kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên internet. Bởi nếu thiếu kiến thức và kỹ năng, chính một số hành động của cha mẹ sẽ đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Hoàng Thanh