Những “bí kíp” bỏ túi giúp thanh thiếu niên không sập bẫy bọn "buôn người"
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho biết mặc dù nước ta đã có các khung luật pháp toàn diện và chặt chẽ về mặt pháp lý với các chương trình quốc gia nhằm chống lại nạn mua bán người và tảo hôn.
Tuy nhiên nhóm yếu thế nhất, đặc biệt là trẻ em gái vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Trên thực tế, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm bị thiệt thòi hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Đối với nạn mua bán người, các báo cáo đã chỉ ra rằng, phụ nữ và trẻ em gái luôn là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài; nhiều người bị lừa gạt đi lao động rồi sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước châu Á khác.
Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới nhưng cuối cùng lại trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động trong ngành giúp việc gia đình hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người vì mục đích tình dục.
Đáng ngại là, đối tượng mua bán người ngày càng gia tăng, chúng lợi dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân. Đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân mua bán vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc mại dâm…
Vì thế, theo bà Hồng việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho trẻ vị thành niên về mua bán người luôn là việc làm cấp thiết, đặc biệt đối với những trẻ ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.
Là điều phối viên dự án Em Vui - đơn vị thực hiện dự án truyền thông trên nền tảng số phòng chống tảo hôn và buôn bán người cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, bà Hoàng Bích Ngọc đã đưa ra một số kỹ năng để giúp các bạn trẻ không rơi vào bẫy của bọn "buôn người".
Đầu tiên nhất cần phân biệt “người lạ” và “người lạ an toàn”. Theo bà Ngọc, “người lạ” là người mà chúng ta chưa gặp bao giờ, có thể tỏ ra rất thân thiện vui vẻ tốt bụng, hoặc cũng có thể rất dữ tợn, dọa nạt. “Người lạ an toàn” là thầy cô giáo ở trường học, các cô chú cán bộ ở xã, công an xã, Bộ đội biên phòng trực ở các chốt dọc biên giới.
Tiếp đến, là phải giữ khoảng cách an toàn với người lạ. Cụ thể: Không ăn đồ ăn, nhận quà, lên xe của người lạ, kể cả khi người lạ đó biết rõ thông tin của gia đình mình (họ nói đúng tên bố mẹ, anh chị em, địa chỉ nhà, địa chỉ trường học... và những thông tin cá nhân khác của bạn). Hãy nói không và kể lại về người lạ đó với bố mẹ, thầy cô, người lớn mà bạn tin tưởng.
“Cảnh giác với những lời rủ rê hoặc nhờ giúp đỡ, vì kẻ xấu có thể dụ dỗ bạn đi đến những nơi xa lạ, vắng vẻ để bắt cóc bạn. Thận trọng với những lời ngon ngọt, hứa hẹn tốt đẹp về công việc, về tình yêu”, bà Ngọc nói.
Ngoài ra, các em nên hạn chế đi một mình đến những chỗ xa lạ, vắng vẻ. Nếu phải đi thì nên đi cùng với người lớn, bạn bè đáng tin cậy.
Tuyệt đối không vay tiền, hoặc cân nhắc kỹ về việc vay tiền của công ty hoặc người môi giới việc làm. Khi nghi ngờ, cảm thấy có dấu hiệu của hành vi mua bán người, cần báo ngay với Công an, Bộ đội biên phòng, thầy cô giáo, cha mẹ, “người lạ an toàn” để được giúp đỡ.
“Các em vị thành niên, thanh niên nói riêng và mọi người nói chung nên tìm hiểu và ghi nhớ quy định pháp luật cần thiết, như quyền công dân, Luật Phòng chống mua bán người, luật bảo vệ quyền của người lao động, luật về Môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi, quy định về thủ tục xuất nhập cảnh để tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh cần thiết”, bà Ngọc khuyến cáo.
Trước bối cảnh xã hội thông tin bùng nổ, việc kết bạn, làm quen, giao lưu qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... là điều khó ngăn cản, bà Ngọc khuyến cáo trong trường hợp gặp bạn quen trên mạng xã hội cần cảnh giác với những lời hứa giới thiệu việc làm có thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
“Bởi bạn quen trên mạng có thể trông tốt bụng nhưng ngoài đời có thể sẽ không như vậy. Do đó, các em nên từ chối nhận tiền, tài sản có giá trị từ người quen trên mạng. Không hẹn đi chơi xa với người quen trên mạng.
Nếu đi gặp bạn bè quen qua mạng, hãy rủ bạn bè khác cùng đi, và chọn địa điểm gần nơi mình sinh sống, có đông người xung quanh. Thông báo với người thân hoặc bạn bè trước khi đi gặp bạn quen qua mạng về nơi gặp gỡ và thời gian hẹn gặp. Chuẩn bị cách để liên lạc với người thân (như mang theo điện thoại) trước khi đi. Đồng thời báo ngay cho công an, thầy cô giáo khi gặp đối tượng khả nghi trên mạng, có khả năng là kẻ lừa gạt, bắt cóc”, bà Ngọc khuyến nghị.
Trong trường hợp các em đi xa đến huyện hoặc tỉnh khác cần thông báo cho cha mẹ về địa chỉ nơi mình đến và người sẽ gặp, cách thức để gọi điện, liên lạc với nhau… Thông báo với trưởng thôn/bản, hoặc cán bộ ở xã. Nếu định đi lâu ngày hãy đăng ký tạm vắng ở xã, và đăng ký tạm trú nơi mà bạn đến.
“Cần mang theo giấy tờ cá nhân như chứng minh thư hoặc căn cước công dân. Mang theo điện thoại di động, nếu có thể hãy mua thêm 1 sim điện thoại nữa cất vào người để sử dụng khi cần thiết. Ghi nhớ, học thuộc lòng số điện thoại của bố hoặc mẹ, hoặc một người thân thiết nhất”, bà Ngọc nói.
Nếu đi chợ phiên thì cũng cảnh giác với những người lạ mặt, nhất là khi họ rủ rê ăn uống. Bởi thông qua hành động này, đối tượng xấu có thể lợi dụng đánh thuốc mê. Đặc biệt không đi chơi riêng với bạn mới quen ở chợ phiên.
Nếu đi thăm họ hàng ở Trung Quốc hay ở Lào thì cần đi theo cửa khẩu chính thống, làm giấy thông hành ở xã trước khi đi và tuyệt đối không nên đi một mình. Trước khi đi, phải báo cho người thân, bạn bè thân về địa chỉ, điện thoại của người họ hàng bên kia biên giới.
“Trên đường đi hoặc sang đến nước bạn, cảnh giác trước những lời mời đi chơi, đề nghị giúp đỡ về công việc, mai mối kết hôn… nhất là từ người lạ”, bà Ngọc nhấn mạnh.
N. Huyền