Nhập khẩu thịt lợn tăng gấp 6 lần, giá rẻ bất ngờ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 24 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi cả năm 2018, tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu các loại khoảng 5,3 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn qua cửa khẩu Hải quan thành phố với số lượng 5.647 tấn, kim ngạch 10,29 triệu USD (tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018).
Doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt lợn để làm giò, chả, xúc xích... |
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil 2.368 tấn với kim ngạch 4,39 triệu USD; Hoa Kỳ 874 tấn với kim ngạch 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với kim ngạch 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với kim ngạch 620.000 USD; Hà Lan 210 tấn với kim ngạch 431.000 USD.
Nguyên nhân lượng thịt lợn nhập khẩu tăng, chủ yếu là do giá nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá lợn hơi trong nước. Đồng thời, kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ. Từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt lợn từ quốc gia Nam Mỹ, nên lượng lợn nhập thịt lợn tăng.
Đến nay, đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc nhập khẩu thịt lợn tăng do e ngại có thể thiếu hụt nguồn cung thịt khi dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng.
Tuy nhiên cũng theo ông, dù dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương, nhưng theo quan sát ở thị trường phía Nam thì lượng cung cấp ra thị trường vẫn tương đối ổn định.
Mặc dù không thể cấm được việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt lợn song đứng trên góc độ của người chăn nuôi, nhập khẩu thịt lợn trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, sẽ khiến các chủ trang trại có tâm lý chán nản trong việc cố gắng để bảo vệ đàn lợn và tái đàn khi dịch bệnh ổn định.
Tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi diễn ra ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu thiếu thịt lợn thì phải nhập, nhưng giải pháp tốt nhất là điều hòa, thực hiện nhóm giải pháp thực phẩm thay thế (gia súc, gia cầm...), tái đàn ở khu vực phù hợp, cố gắng làm sao để chúng ta chủ động cung cấp nguồn thực phẩm là tốt nhất.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, trong trường hợp dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
·