Doanh nghiệp và nhà đầu tư e dè, thị trường trái phiếu giảm mạnh
Do thị trường cần thời gian để làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời tâm lý nhà đầu tư trái phiếu chưa được cải thiện sau các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, cùng việc VKC Holdings chậm trả lãi trái phiếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư hiện đang sở hữu trái phiếu cũng như nhu cầu đầu tư vào một kênh tài sản lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng này.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận sự suy giảm giá trị phát hành mạnh, chỉ đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ 2021. Thay vào đó, tổ chức tín dụng vươn lên là nhóm nhà phát hành lớn nhất với động lực gia tăng nguồn vốn cấp 2 trên lộ trình đạt Basel III cũng như tận dụng kênh trái phiếu cho việc tối ưu nguồn vốn qua hoạt động mua và bán lại trái phiếu.
Trong tổng số gần 300 đợt phát hành cả 6 tháng đầu năm 2022 đến từ 137 tổ chức phát hành, có khoảng 44% là các doanh nghiệp niêm yết. Điều này một phần do những yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn phát hành sau sự kiện Tân Hoàng Minh cũng như việc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không được mua TPDN chưa niêm yết theo Thông tư 16 có hiệu lực từ 15/1/2022.
Do sự trầm lắng về thanh khoản bất động sản, cấp phép dự án, kiểm soát tín dụng khiến việc triển khai các dự án và mở bán chậm. Điều này làm cho số ngày tồn kho bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng lên ở mức rất cao, 1.497 ngày vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Với tốc độ triển khai và bán hàng diễn ra trong quý 2 vừa qua thì phải mất hơn 4 năm mới giải phóng lượng hàng tồn kho này. Đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
Theo thống kê Top 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất 6 tháng đầu năm nay, có tới 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Lần lượt gồm: Novaland 8.557 tỷ đồng; Eagle Side 7.860 tỷ đồng; Air Link 3.810 tỷ đồng; Worldwide Capital 3.410 tỷ đồng; Seaside Homes 3.000 tỷ đồng; Vast King 2.260 tỷ đồng; Hưng Thịnh Investment 2.000 tỷ đồng; Hưng Thịnh Land 1.685 tỷ đồng; BĐS Đất Việt 1.600 tỷ đồng; BĐS Đại Hùng 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, 10 ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất trong nửa đầu năm nay gồm: BIDV 14.505 tỷ đồng; MB 10.190 tỷ đồng; Techcombank 9.000 tỷ đồng; ACB 7.150 tỷ đồng; VIB 6.948 tỷ đồng; OCB 5.700 tỷ đồng; LienVietPostBank 3.500 tỷ đồng; Bắc Á Bank 3.500 tỷ đồng; và MSB 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang đến nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu càng trầm lắng hơn. Trong tháng 9, hoạt động phát hành TPDN tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý 3 với giá trị phát hành trong tháng đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ. Khối lượng phát hành nhìn chung không cải thiện, đáng kể nhất là bất động sản vẫn chưa có nhiều tiến triển khi tháng 9 vẫn chỉ ghi nhận 2 lô phát hành đạt mức 2,8 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị phát hành bao gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền với lô trái phiếu 2,3 nghìn tỷ đồng và CTCP Đầu tư BĐS Sơn Kim với trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.
Sang tháng 10, thị trường TPCP còn ảm đạm hơn khi chỉ ghi nhận duy nhất một đợt phát hành riêng lẻ nội địa bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo với giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, được bảo lãnh bởi Tập đoàn Masan. Mục đích của đợt phát hành này nhằm thanh toán toàn bộ gốc của 2 lô các trái phiếu trước đó có kỳ đáo hạn vào 25/9/2022,
Như vậy, hoạt động phát hành TPDN trong tháng 10 vắng bóng 2 nhóm đơn vị phát hành chủ lực là ngành bất động sản và ngân hàng. Cả hai ngành này đang gặp những yếu tố không chỉ bất lợi bao gồm môi trường lãi suất tăng cao, mà còn bởi sự quay lưng của nhà đầu tư đối với TPDN sau những vụ việc vi phạm trên thị trường trái phiếu gần đây.
Theo thống kê của FiinRatings, tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành, và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính (đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng).
Số liệu cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng. Tuy số dư này không lớn nhưng phần nhiều được phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 (119,05 nghìn tỷ đồng) và năm 2024 (111,81 nghìn tỷ đồng) khi trái phiếu đến hạn thanh toán.
Tuân Nguyễn