Người Việt là nạn nhân buôn người ở Anh chưa được quan tâm theo đúng luật
Mặc dù đã được xác định nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất đối với tội buôn người ở Anh, các con số do Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA) công bố đặt vấn đề nghi ngờ nạn nhân người Việt được bảo vệ kém hơn một nửa so với nạn nhân các quốc gia khác. Chỉ 11% người Việt được chấp nhận và được bảo vệ vào năm 2015, thấp hơn mức trung bình được đề xuất là 27%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Solent News/Rex/Shutterstock |
Tờ Người Bảo Vệ (The Guardian) đã phỏng vấn 5 người được tìm thấy ở Anh trước khi họ bị trả về Việt Nam. Tất cả họ bị phát hiện trong các cửa hàng sơn sửa móng tay hoặc nhà chứa, bị kết án vì phạm tội và bị giam giữ tại các nhà tù Anh trước khi bị trục xuất. Họ chia sẻ về việc sẽ phải trở lại Việt Nam và đối mặt với khoản nợ khổng lồ.
Christine Beddoe, một chuyên gia chống nạn buôn người, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia trọng yếu nằm trong mạng lưới buôn người ở Anh nhưng những nạn nhân đến từ Việt Nam vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ chính thức theo luật Anh quy định. Beddoe chỉ ra rằng, các quan chức thực thi chính sách nhập cư có quyền quyết định về các tuyên bố liên quan đến nạn nhân người Việt trong các vụ buôn người. “Thái độ chung xung quanh việc ra quyết định là họ tìm mọi lý do để phủ nhận những người Việt đó là nạn nhân của buôn người”, bà nói.
Fiona Mactaggart, đồng Chủ tịch Liên minh các đảng phái quốc hội về nạn buôn người và nô lệ hiện đại của Anh, cho biết, sau khi được hoan nghênh về Đạo luật Nô lệ hiện đại 2015 vì tính đột phá, nước Anh nên chú trọng vào việc thực hiện đạo luật này.
“Rất tốt khi Thủ tướng khen ngợi nước Anh có luật pháp hàng đầu thế giới về chế độ nô lệ thời hiện đai. Tuy vậy, vấn đề là chúng ta đã thực hiện nó không hiệu quả”, bà Mactaggart nói, “Bộ Nội vụ vẫn xem việc buôn bán người là một vấn đề nhập cư… Có rất nhiều người bị bán, bị biến thành nô lệ, nhưng chúng ta chỉ nhìn theo cách khác. Chính quyền hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ quyền cơ bản của nạn nhân (buôn người)”.
Ước tính của chính phủ Anh cho thấy, có khoảng 13.000 người bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ở nước này. Theo số liệu gần đây nhất của NCA, 895 nạn nhân tiềm năng đã được báo cáo và xác định là nạn nhân của nạn buôn người trong 3 tháng đầu năm 2016.
Việt Nam đã trở thành quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về nạn buôn người, Albani là quốc gia đứng đầu. Nhiều người đã bị dụ dỗ và chấp nhận khoản nợ lên đến 25.000 bảng Anh (khoảng hơn 700 triệu đồng) để nghe lời dụ dỗ đến Anh với công việc đầy hứa hẹn. Khi đến nơi, họ bị bán làm nô lệ trong nước, bị lao động cưỡng bức và bóc lột tình dục ở nhà riêng, phải làm ở các trang trại cần sa, các cửa hàng sơn sửa móng tay và nhà chứa.
Trong số nạn nhân tiềm năng, nguy cơ cao nhất là trẻ em. Tờ The Guardian cho biết, theo số liệu của một cuộc điều tra về người giám hộ cho thấy, khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ở Anh. Văn phòng của Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm ước tính có đến 30 trẻ em Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại Anh mỗi tháng. Luật sư cho biết sai sót trong xác định các trường hợp buôn người dẫn đến tình trạng nạn nhân bị đẩy vào các vụ án liên quan đến việc làm bất hợp pháp ở nước sở tại.
Số lượng trẻ em Việt Nam làm việc trong các trang trại cần sa gần đây cũng đã được công bố công khai. Cảnh sát Anh công bố 149 trẻ em Việt Nam bị bắt vì làm việc tại các nông trường cần sa trong 3 năm qua. Nhiều khả năng số trẻ em này sẽ bị trục xuất.
Mark Shepherd, một luật sư trong dự án pháp luật nhập cư của Anh nhận định, các cơ quan tư pháp Anh khi tiến hành khám xét các trang trại cần sa, đã đưa họ (trẻ em Việt Nam) tới một trại tạm giam thiếu niên phạm tội. Sau đó họ trục xuất những người này về Việt Nam mà không làm gì để điều tra thêm dù trên thực tế, những người này đã bị bán.
Ahmed Aydeed, làm tại công ty luật Duncan Lewis, cho biết một số khách hàng của mình đã bị bán sang Anh nhiều lần, với những hậu quả khủng khiếp. "Tôi bị choáng ngợp bởi quy mô và tính kinh dị của vấn đề," ông nói, "Hệ thống của chúng tôi sai lầm trong việc nhận dạng nạn nhân và nạn nhân tiềm năng của buôn bán người chỉ vì không chịu xác định và không giúp đỡ họ sớm hơn”.
Aydeed cho biết một trong những khách hàng của mình, một người phụ nữ trẻ, bị bán sang Anh và bị phát hiện làm việc trong một cửa hàng sơn sửa móng tay, trước khi bị trục xuất cô là một công nhân bất hợp pháp đã từng đến Anh vào năm 2012. Theo luật sư của cô nói thì "đã có bằng chứng rõ ràng rằng cô ấy đã bị bán nhưng không ai chịu tìm ra".
Cô đã được tái bán sang Anh vào năm sau. Cô cho biết đã bị cưỡng hiếp và buộc phải làm việc trong nhà chứa ở Anh. Cô chỉ thoát khi bị sẩy thai. Cô bị giam trong một nhà tù suốt 16 tháng cho đến khi luật sư Duncan Lewis nghe nói về trường hợp của cô. Cô đã không được đánh giá là một nạn nhân buôn bán người mặc dù đã khai với các nhà chức trách việc bị buộc phải làm việc trong cửa hàng sơn sửa móng tay và một nhà chứa nơi cô bị cưỡng hiếp. Sẹo trên người cô được chứng minh là phù hợp với các vụ tra tấn.