Người tung tin bị kẻ gian đập vỡ kính ô tô, lấy trộm 100 triệu đồng có thể bị xử phạt
Chiều 17/11, trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, việc tài khoản Facebook P.M.T. đăng trên mạng xã hội có nêu bị kẻ gian đập kính ô tô, lấy trộm 100 triệu đồng là không đúng sự thật.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cũng khẳng định: “Qua điều tra và xác minh ban đầu thì anh T. chỉ bị mất cắp hơn 2 triệu đồng chứ không phải 100 triệu như người này đăng tải trên mạng xã hội.
Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Thanh Xuân sẽ điều tra thêm, nếu người đăng tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, cơ quan công an sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Trước đó, tài khoản Facebook P.M.T. đăng tải trên mạng xã hội nhờ người dân đi qua ngõ 210 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp hình ảnh tên trộm đập kính xe ô tô, lấy tài sản lớn.
Theo người này, khoảng 9 -10h ngày 17/11, xe ô tô hiệu CRV đỗ tại ngõ 210 Lê Trọng Tấn bị kẻ gian đập kính cạnh ghế phụ lấy đi giấy tờ cá nhân quan trọng cùng ví tiền, bên trong ví có số tiền mặt 100 triệu đồng. Sau đó, nạn nhân nhận được tin nhắn thẻ Visa bị quẹt 45 triệu đồng tại một siêu thị điện máy.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm nhận định: “Việc thông tin sai sự thật thì Điều 101 nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.
Không chỉ có vậy, trong điều này cũng quy định sử dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định”.
Tuy nhiên với hành vi của anh T., luật sư Đặng Xuân Cường nhận định: “Với việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, có thể anh T. sẽ bị cơ quan công an tiến hành xử phạt hành chính là 10 triệu đồng. Còn trường hợp vụ việc đã vào vụ án rồi thì cơ quan công an sẽ xử phạt nặng hơn, tùy theo mức độ hành vi của anh T.”.
Ngoài ra, luật sư Đặng Xuân Cường cũng khuyến cáo: “Để mạng xã hội trở thành một môi trường lành mạnh, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần:
Thứ nhất, việc sử dụng từ ngữ phải trong khuôn khổ, đúng chừng mực, có hành vi, cư xử văn minh, lịch sự và phù hợp, không xúc phạm người khác, không làm được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, cân nhắc về nội dung các bài viết, clip, hình ảnh, nội dung, livestream…. hay chia sẽ những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức khác, vi phạm quy định của pháp luật hoặc tuyên truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Thứ ba, nên tin tưởng vào những nguồn tin chính thống, chỉ chia sẽ những thông tin tại các trang thông tin tin cậy, chia sẻ những thông tin tích cực, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, tích cực.
Dân gian ta có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để mọi người phải cẩn trọng với những gì mình phát ngôn. Do đó, hãy là một cư dân mạng thông thái, đừng dùng mạng xã hội với mục đích chỉ để công kích, miệt thị, chửi bới nhau, thông tin sai sự thật về mình và mọi người mà hãy tận dụng và khai thác những lợi ích của mạng xã hội để mạng xã hội là cánh cửa kết nối với thế giới chứ không phải là là nạn nhân của “bạo lực” mạng xã hội.
Hải Ngọc