Những khó khăn khi người cao tuổi tìm việc làm
Về hưu từ 5 năm trước nhưng bà Cao Thị Thu Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn xin được công việc ngay tại nhà máy bà đã làm hàng chục năm trước. Khi đi làm, bà Hồng vừa nhận được lương hưu, vừa có lương sản phẩm. Bà Hồng thấy thu nhập của mình vẫn như lúc chưa về hưu. Tuy nhiên, trường hợp như bà Hồng được công ty cũ ký hợp đồng về làm việc lại rất ít.
Bà Nguyễn Thị Hoà (Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội) về hưu được 7 năm. Suốt 7 năm qua bà cố gắng đi tìm việc nhưng không ở đâu ký hợp đồng với bà. Sau đó bà chọn việc trông trẻ. Bà Hoà cho biết trước đó bà làm công nhân ở xí nghiệp may nhưng sau này công ty giải thể, chuyển ra ngoại thành nên không tuyển lao động đã về hưu. Những ngày đầu nghỉ hưu, con còn đang đi học cấp 3 khiến kinh tế gia đình của bà gặp nhiều khó khăn nên bà phải đi làm tự do.
Nhiều công ty may khi bà đến gửi hồ sơ họ đều từ chối vì cho rằng mắt mờ chân chậm không phù hợp công việc, trong khi đó bản thân bà thấy sức khoẻ của mình còn tốt.
Về hưu, ông Nguyễn Quang Kính (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tìm đến công việc làm bảo vệ cho một công ty bảo vệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do tuổi nhiều nên ông đi làm chỉ được trả lương bằng 80% người trẻ dù ông làm rất tốt công việc của mình. Ông cũng không được công ty hỗ trợ mua bảo hiểm y tế mà phải tự bỏ tiền của mình ra mua. Nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động ông không nhận được vì đã quá tuổi lao động. Nhiều lúc, ông Kính cảm thấy mình đang đi làm “chui”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội người Cao tuổi Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo chỉ 15 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già với tỉ lệ có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% dân số. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, nghĩa là cứ 4 người dân có một người cao tuổi. Vì vậy vấn đề lao động việc làm cho người già cần vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ.
Theo ông Hùng, không riêng gì Việt Nam mà đến năm 2050 cả thế giới đối mặt với già hoá nếu chúng ta không tận dụng sức khoẻ, trí tuệ của người già thì chúng ta khó mà tăng trưởng, phát triển ngay kể cả về kinh tế và cả chính trị.
Ông Hùng cho rằng người cao tuổi dù sức khoẻ giảm sút nhưng họ có kinh nghiệm, có trí tuệ vẫn có thể cống hiến làm việc để sản xuất ra của cải cho xã hội. Tại Việt Nam còn tâm lý là khi về hưu lại coi như là nghỉ ngơi. Điều này rất lãng phí vì Việt Nam là nước đang phát triển nếu chúng ta bỏ qua sức lao động của những người đã về hưu và với tần xuất già hoá dân số đứng thứ 10 thế giới như hiện nay thì chưa giàu chúng ta đã già.
Để tạo công ăn việc làm cho người cao tuổi, ông Hùng cho rằng chúng ta cần thay đổi Luật Việc làm. Hiện nay luật Việc làm bỏ qua người cao tuổi nên nhiều người cao tuổi đi làm không được bảo vệ, họ không được hỗ trợ gì, không được tiếp cận thông tin, lương lại thấp hơn các đối tượng trong độ tuổi lao động không được hưởng các chính sách cho người lao động vì già. Ngay cả vấn đề vay vốn hỗ trợ việc làm cũng không được. Nhiều người về hưu mới khởi nghiệp nhưng họ không vay được vốn, không được hỗ trợ gì từ nhà nước.
Ông Hùng cho rằng hiện nước ta đã có nhiều chính sách về hỗ trợ người già rất hay nhưng Luật Việc làm không có, các nghị quyết về việc làm cho người cao tuổi chưa có nên người cao tuổi vẫn thiệt thòi khi họ đi làm. Chính vì vậy, ông Hùng cho rằng cần thay đổi Luật Việc làm để người cao tuổi có thể tham gia thị trường lao động, họ cũng tự mình phát triển kinh tế cho mình, giảm gánh nặng cho con cháu cũng như cho xã hội. Đây là việc chúng ta cần thực hiện ngay để tận dụng được nguồn lao động này. Đây cũng là cách để chúng ta chuẩn bị cho già hoá dân số khi thực tế nhiều người già thuộc diện nghèo, không có thu nhập hoặc sống phụ thuộc vào con cháu, người thân, không có khả năng chi trả viện phí khi đau ốm.
Khánh Chi