Ngư dân Nghệ An nỗ lực chung tay gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản
Ngư dân Trần Văn Hòa trong một chuyến ra khơi. |
Gần 15 năm đánh bắt trên biển, từ chỗ còn xa lạ với việc ghi nhật ký hành trình đánh bắt thì trong những chuyến biển gần đây, ngư dân Trần Văn Hòa (trú ở xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.
Cá được đánh bắt ở vùng biển nào, tọa độ bao nhiêu đều được anh ghi lại rõ ràng trong nhật ký hành trình, đây là quy định rất quan trọng mà ngư dân phải thực hiện trong mỗi chuyến ra khơi nhằm hợp pháp hóa các sản phẩm đánh bắt.
Anh Trần Văn Hòa chia sẻ: Tôi đọc được các hướng dẫn, chỉ thị thì phải thực hiện đúng cam kết. Họ hướng dẫn đánh bắt ở ngư trường nào thì mình phải theo ngư trường đó để đánh bắt. Đây cũng là trách nhiệm chung của bà con ngư dân chúng tôi để châu Âu sớm gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Còn anh Thái Bá Bảy, Phó chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích cho hay: Chúng tôi thường xuyên triển khai, vận động ngư dân thực hiện đúng các cam kết, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm ra vào lạch khai báo sản lượng khai thác để làm rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Lực lượng chức năng kiểm tra các giấy tờ, thủ tục của ngư dân trước khi ra khơi. |
Trước khi rời cảng lạch Vạn ra khơi, 150 tàu cá xa bờ công suất trên 90CV của xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đều được lực lượng Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PNN&PTNT) Nghệ An kiểm tra việc chấp hành 13 nội dung như: Yêu cầu các tàu cá gắn thiết bị hành trình, ghi nhật ký với đầy đủ thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian đánh bắt, loại hải sản...
Và sau khi về cập bến, các chủ tàu lại trực tiếp văn phòng trình nhật ký khai thác để đối chiếu với hệ thống định vị của cơ quan chức năng, nhằm giám sát được sản phẩm đã khai thác ở ngư trường nào.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) cho hay: Mặc dù giai đoạn đầu tuyên truyền thì bà con đang thờ ơ và nhận thức chưa đầy đủ nên việc báo cáo qua đồn, qua trạm, qua cảng đang hạn hữu. Chính vì vậy chúng tôi tập trung chỉ đạo các chi hội nghề cá tiếp tục tuyên truyền trong các buổi, ngày biển động bà con không đi và ký cam kết thực hiện mọi quy định của Chi cục thủy sản, UBND tỉnh, của huyện và xã.
Năm 2016, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của huyện Diễn Châu có khoảng 180 chiếc, năm 2019 đã tăng lên gần 300 chiếc, trong đó có 4 chiếc tàu trên 800CV, ngoài ra còn có 1.200 tàu thuyền, bề mảng…
Ngư dân trình báo nhật ký tại Tổ công tác sau mỗi chuyến ra khơi. |
Trước đây, việc khai thác hải sản ở vùng cấm, tình trạng thiếu trang thiết bị giám sát, không khai báo vùng đánh bắt... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, với việc Sở NN&PTNT thành lập tổ kiểm soát nghề cá tại cảng cá lạch Vạn, thì bắt buộc tất cả chủ tàu đều có giấy cam kết chấp hành nghiêm Luật Thủy sản. Cùng với việc tuyên truyền hướng dẫn ngư dân khai báo đầy đủ thì các lực lượng chức năng đã phát hiện 60 tàu cá ngư dân Diễn Châu chưa thực hiện đăng kiểm, xử phạt 50 tàu đánh bắt trái tuyến.
Ông Nguyễn Văn Trung, Tổ phó Tổ Liên ngành Thanh tra, Kiểm soát nghề cá (Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết: Tổ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền cho bà con ngư dân; đồng thời đưa ra những biện pháp để phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng yêu cầu bà con phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ khai báo và kê khai đầy đủ theo đúng quy định pháp luật.
“Trước mắt, văn phòng đã kiểm soát bằng việc kê khai tọa độ, vĩ độ, phối hợp theo nghề đăng ký đăng kiểm. Trong thời gian tới phải thực hiện theo Luật thì các tàu cá phải gắn thiết bị giám sát hành trình”, ông Trung nói.
Ý thức được việc làm của mình, bà con ngư dân vùng biển Diễn Châu ngày một chấp hành nghiêm các quy định về việc đánh bắt cá mỗi khi ra khơi. Góp phần vào công cuộc chung không chỉ gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam, mà còn đảm bảo phát triển bền vững nghề cá, thúc đẩy kinh tế phát triển.