Ngoại giao văn hóa giúp thúc đẩy quan hệ EU – ASEAN
Mối quan hệ hợp tác văn hóa xã hội đang khuyến khích các cơ quan ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những sáng kiến thúc đẩy kết nối giữa người dân hai bên thông qua các hoạt động văn hóa, xã hội và giáo dục.
Theo New Straits Times, trong những thập kỷ qua, EU đã là đối tác chiến lược của ASEAN thông qua hỗ trợ các chương trình xây dựng cộng đồng của khu vực. Hoạt động đi lại của người dân hai khu vực cũng ngày càng gia tăng liên quan tới các mục đích như văn hóa, kinh doanh, giáo dục.
Tuyên bố Nuremberg năm 2007 đã tái khẳng định cam kết hợp tác của cả hai khu vực bao gồm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy tương tác giữa người dân hai bên thông qua trao đổi văn hóa và giáo dục, cũng như hợp tác về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới.
Các dự án chính thức của EU đang hỗ trợ cho ASEAN gồm READI và EU-Share. Hoạt động hợp tác tăng cường nghiên cứu và lưu chuyển sinh viên giữa EU và ASEAN trong vài thập kỷ qua cũng gia tăng đáng kể.
Một số cuộc họp cấp Bộ trưởng Á-Âu từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng trao đổi giữa sinh viên châu Á và châu Âu.
Trong khi đó, cách tiếp cận chính sách văn hóa được Hội đồng EU đề xuất đã nhấn mạnh đến sự bình đẳng của tất cả các nền văn hóa, và nhu cầu tương tác xuyên văn hóa mạnh mẽ hơn. Trọng tâm là thúc đẩy một cuộc thảo luận liên văn hóa để các bên hiểu biết hơn và mang lại lợi ích cho nhau. Theo nghiên cứu, những người tham gia vào các hoạt động văn hóa hoặc học ngôn ngữ của một quốc gia khác có xu hướng tin tưởng vào quốc gia đó, và các chính sách của chính phủ. Sau khi tới nước bạn để tham quan, học tập, kinh doanh, họ có thể áp dụng kinh nghiệm thực tế ở nước bạn để đóng góp cho nền kinh tế của quê hương.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã phác thảo các lĩnh vực trọng tâm chính trong Thông báo chung về Quan hệ Văn hóa Quốc tế nhằm hỗ trợ EU hợp tác với các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực trên.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đang cùng hợp tác để xây dựng một bản sắc chung của ASEAN. Do đó, trong thế kỷ 21, ngoại giao văn hóa và những mối quan hệ văn hóa chính là công cụ quan trọng để các quốc gia lựa chọn cách mà họ muốn thể hiện trước thế giới.
Quan hệ ASEAN - EU được thiết lập vào năm 1977 và nâng lên thành Đối tác chiến lược năm 2020. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ EU - ASEAN. Sau 45 năm quan hệ hai bên tiến triển và bao trùm trên nhiều lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. Hiện, hai bên đang phối hợp triển khai Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023 - 2027.
Về hợp tác kinh tế, EU vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều giữa ASEAN và EU đạt 269,9 tỉ USD vào năm 2021, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dòng vốn FDI từ EU vào ASEAN tăng 42,9% trong năm 2021 so với một năm trước đó và đạt con số 26,5 tỉ USD. Con số này đưa EU trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN trong số tất cả các Đối tác Đối thoại của ASEAN vào năm 2021.
Hiện tại, ASEAN và EU đang hướng tới khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Điển hình, Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện ASEAN - EU (ASEAN - EU CATA) đã được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN lần thứ 28 vào ngày 17/10 tại Bali. ASEAN - EU CATA là hiệp định vận tải hàng không giữa các khối đầu tiên trên thế giới, giúp thúc đẩy khôi phục kết nối hàng không giữa hai khu vực sau đại dịch Covid-19.
Về hợp tác văn hóa xã hội, EU tiếp tục hỗ trợ ASEAN thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ người lao động di cư, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua học bổng và hỗ trợ giáo dục đại học thông qua chương trình SHARE. Ngoài ra, thông qua cơ sở READI, EU đã hỗ trợ cho giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường và quản lý thảm họa cho ASEAN. Về quản lý thiên tai, EU còn hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai theo thỏa thuận tài chính về Hỗ trợ của EU cho Trung tâm AHA được ký vào năm 2018 tại Brussels.
Minh Thu