Nghệ An: Tỷ phú nông dân sở hữu đội tàu xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
“Loanh quanh” bên những con tàu
Những ngày cuối năm 2022, chiếc điện thoại của ông Lê Hội Hưng (SN 1979, trú thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) liên tục đổ chuông, công việc của anh cứ tất bật quanh những con tàu, cơ sở sản xuất, chế biển đá lạnh… để kịp hỗ trợ ngư cụ, nhu yếu phẩm kịp cho hàng chục con tàu vươn khơi, bám biển.
Nhưng ít ai biết rằng, để bén duyên với nghề biển, ông Hưng đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, sóng gió.
"Khoảng thời gian năm 2003 – 2006, tôi làm đoàn xã, sau đó được cử đi học để làm xã đội trưởng. Nhưng thấy công việc không phù hợp nên đã quyết định định nghỉ về đi biển, làm thủy sản. Mới đầu có hai anh em chung nhau mua lại một con tàu công suất khoảng 250CV rồi tu sửa, bắt đầu bám biển mưu sinh", ông Hưng nhớ lại.
Quảng thời gian sau đó, thu nhập chẳng được là bao từ những chuyến biển, ông Hưng tiếp tục bắt tay vào làm dịch vụ hải sản để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Khi nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67, được chút vốn liếng nào, ông quyết định vay vốn tiếp để đóng 2 con tàu với công suất trên 800 CV, kinh phí lên đến 25 tỷ đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ cho vay 70 %) để vươn khơi, bám biển.
Thời gian sau đó, nhận thấy đội tàu đánh bắt xa bờ cần nhiều nhiên liệu và các nhu cầu vật tư, trao đổi hàng hóa vô cùng thiết yếu. Bên cạnh đó, chi phí mỗi chuyến biển rất lớn và chạy vào lạch để bán cá và lấy thêm nhiên liệu, đá lạnh và các hậu cần nghề cá phải mất 1 – 2 ngày.
Năm 2008, ông Hưng cùng với 5 xã viên thành lập HTX Đoàn Kết để xin thuê đất làm dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ thương mại hơn 5 tỷ đồng, 6 lò hấp sấy cá, đã giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động trên địa bàn. Khi có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, việc phục vụ thu mua hải sản và cung ứng nhiên liệu, đá lạnh vật tư cho các chủ tàu trên biên nên ngư dân an tâm khai thác.
Ông Hưng chia sẻ: “Từ khi có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân không sợ cá để lâu ngày bảo quản trên thuyền không đảm bảo, không sợ thiếu dầu, đá lạnh và các nhu thiết yếu phục vụ cho khai thác hải sản; các lò hấp cá, nhà máy xay luôn có hàng hóa đảm bảo để phục vụ hấp và xay bột cá tăng thêm thương hiệu hàng hóa của xã nhà và giải quyết công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn”.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất đá lạnh của ông Hưng với quy mô 1.500 tấn đá lạnh/tháng, đảm bảo cung ứng cho hàng trăm con tàu thuyền lớn nhỏ để vươn khơi đánh bắt, giải quyết công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ông Hưng đang quản lý 01 cơ sở sản xuất đá lạnh, xăng dầu, 01 nhà máy xay bột cá, hơn 20 ha rừng, 19 con tàu khai thác hải sản xa bờ (trong đó có 2 tàu được đóng theo Nghị định 67 và 1 tàu được đóng theo Nghị định 17 của Chính phủ) một năm doanh thu từ 20 - 25 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động có mức lương tháng từ 9 - 10 triệu đồng/tháng.
Tất bật công việc với những ngày cuối năm, ông Hưng cho biết, trong năm nay đã tham gia hàng trăm chuyến biến. Ngoài ra, khoảng 50 lao động được học các lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy để đảm bảo đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác hai sản… nâng cao hiệu quả, chia sẻ kỹ thuật trong khai thác và kinh doanh.
Năm 2017, doanh thu của gia đình ông Hưng chỉ 15 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt trên 20 tỷ đồng. Thu nhập mỗi năm trừ chi phí, cho lãi từ 2 – 3 tỷ đồng.
Chú trọng công tác an sinh - xã hội
Trên cương vị là Giám đốc HTX Đoàn Kết, ông Lê Hội Hưng đã vận động xã viên làm được 1,2 km đường bê tông trị giá 1,8 tỷ đồng; ủng hộ 50 triệu đồng nhà tranh tre dột nát trên địa bàn thị xã Hoàng Mai; làm 26 cột điện chiếu sáng trị giá 70 triệu đồng; ủng hộ quỹ Trần Phú 30 triệu đồng để hỗ trợ cho đảng viên 50 năm tuổi đảng trở lên không có lương.
Từ năm 2016 đến nay, ông Hưng đã nhận hỗ trợ chi phí học tập cho 4 học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với 5 triệu đồng/năm. Ủng hộ 20 triệu động cho thôn làm nhà văn hóa…
Với những thành tích xuất sắc, ngư dân Lê Hội Hưng đã được UBND thị xã Hoàng Mai, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều giấy khen, bằng khen về các phong trào xây dựng nông thôn mới; sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc và phong trào Nông dân thi đua sản xuất giỏi.
Hiện nay, ông Lê Hội Hưng là Ủy viên Ban chấp hành nghề cá tỉnh Nghệ An, Đại biểu HĐND xã Quỳnh Lập qua nhiều nhiệm kỳ, Giám đốc HTX Đoàn kết… Năm 2022, ông được bình chọn là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước, xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, được vinh danh tại lễ kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/2022).
“Trong thời gian tới, tôi tiếp tục nâng cấp cơ sở nhà máy đá lạnh, xăng dầu để đảm bảo cung ứng cho đội tàu của gia đình và địa phương. Bên cạnh đó, nâng cấp nhà máy xay bột cá để đảm bảo năng suất, đảm bảo vệ sinh môi trường; tiếp tục trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Đặc biệt, nâng cấp đội tàu khai thác hải sản xa bờ theo hướng vươn khơi vươn xa gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Việt Hòa