Nạn nhân mua bán người khó tiếp cận hỗ trợ vay vốn và học nghề, vì sao?
Theo quy định, nạn nhân của mua bán người được miễn hoặc giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn. Ngoài ra, nạn nhân mua bán người còn được trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Cụ thể, được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú là 1.000.000 đồng/người. Ngoài ra, nạn nhân còn có thể đề nghị xin vay vốn tại ngân hàng chính sách của nhà nước.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế, theo TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), việc triển khai hỗ trợ cho các đối tượng là nạn nhân mua bán người còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, tính từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, cả nước mới chỉ hỗ trợ được 72 nạn nhân mua bán vay vốn sản xuất; 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu... Trong khi giai đoạn này, từ năm 2013 đến 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người dân tộc thiểu số.
Điều này cho thấy thực tế con số nạn nhân mua bán người nhận hỗ trợ về vay vốn, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu hạn chế so với con số thực tế nạn nhân mua bán người được phát hiện trong giai đoạn này.
Theo bà Hồng, nguyên nhân có thể xuất phát từ ý chí chủ quan của nạn nhân không có nhu cầu học văn hóa, học nghề mà muốn tìm việc làm luôn, và bởi vì các thủ tục nhận hỗ trợ rườm rà, tốn thời gian. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thiếu các chương trình hỗ trợ.
Bổ sung thêm, bà Hoàng Bích Ngọc, điều phối viên dự án Em vui - “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” - cho biết, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn là hai trong những hỗ trợ được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nhằm giúp nạn nhân tìm kiếm được công việc ổn định và tái hòa nhập cuộc sống.
Tuy nhiên, số nạn nhập được tiếp cận hai dịch vụ hỗ trợ này rất ít. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính bản thân nạn nhân. Đa số nạn nhân mua bán người là thanh niên, thường bỏ học sớm, gia đình khó khăn, mong muốn tìm việc thu nhập cao nên rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
Khi trở về, họ không muốn tham gia các lớp dạy nghề, không có nhu cầu học hỏi thêm, mà muốn tìm công việc nào có thu nhập ngay để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, các lớp đào tạo nghề cho nạn nhân mua bán người ở địa phương chưa đáp ứng được thực tiễn. Nạn nhân thường trở về không đồng loạt, rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau, trong khi đó lớp đào tạo nghề ở địa phương được tổ chức không thường xuyên, hoặc không đủ đa dạng về lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nạn nhân.
“Trong những hình thức hỗ trợ nạn nhân được quy định trong luật thì hỗ trợ vay vốn là hình thức mà các nạn nhân mua bán người ít tiếp cận được nhất. Thủ tục vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội khá rườm rà, đòi hỏi nạn nhân phải có tài sản bảo đảm, phải có phương án sản xuất kinh doanh.
Đây là yêu cầu không thực tế với nạn nhân mua bán người, là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp bị bán nhiều năm mới trở về được. Thậm chí, nhiều trường hợp khi trở về nước thì bố mẹ đã mất, tài sản đã chia đều cho anh chị em. Họ trở về với hai bàn tay trắng, nhiều nạn nhân không biết đi đâu về đâu. Hạn chế về năng lực cũng là một rào cản khiến họ không có phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, hợp lý và được chấp thuận vay vốn tại ngân hàng”, bà Ngọc thông tin.
Trước thực trạng này, bà Ngọc khuyến nghị, các địa phương cần quan tâm và hỗ trợ tích cực các trường hợp là nạn nhân của mua bán người, những nạn nhân trong các trường hợp có dấu hiệu của mua bán người, nhưng chưa được xác minh nạn nhân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em về các vấn đề tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ sinh kế giúp họ sớm hoà nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương cần chủ động hơn, hỗ trợ ngay cả khi họ hết thời gian lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trở về cộng đồng.
Không chỉ quy định hỗ trợ vay vốn mà quy trình nhận trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân mua bán người cũng còn tốn khá nhiều thời gian. Theo quy định tại điều 23 nghị định 09/2013/NĐ-CP, nạn nhân phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm đơn theo mẫu, giấy xác nhận là nạn nhân quy định điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người, và phải mất tổng thời gian để trình, thẩm định, quyết định hỗ trợ nạn nhân là 11 ngày. Vậy sau 11 ngày nạn nhân mới nhận được hỗ trợ, nhiều nạn nhân của mua bán người không muốn làm thủ tục nhận hỗ trợ ban đầu này bởi những thủ tục rườm rà và tốn thời gian như vậy. |
N.Huyền