Mỹ - Hàn ‘phát hoảng’ với tên lửa hiện đại mới của Triều Tiên
Vụ thử nghiệm động cơ mới dành cho mẫu tên lửa KN-08 đã được tiến hành tại bãi thử Dongchang-ri (phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng) hôm thứ Hai (11/2) tuần trước. Với loại động cơ mới này, các tên lửa tầm xa KN-08 của Triều Tiên có thể đạt tầm bắn lên đến hơn 5.000 km.
"Nếu Triều Tiên thử nghiệm thành công loại động cơ mới, quốc gia này có thể triển khai loại tên lửa tầm xa mới, nguy hiểm hơn rất nhiều”, một nguồn tin giấu tên của chính phủ Hàn Quốc tiết lộ với hãng tin Yonhap.
Hồi tháng 3/2012, Triều Tiên đã trình diễn 6 tổ hợp tên lửa đạn đạo di động để chào mừng sinh nhật cố chủ tịch Kim Il-sung, người sáng lập nhà nước Triều Tiên và là ông nội của đương kim chủ tịch Kim Jong-un, trong một cuộc duyệt binh rầm rộ.
Thời điểm đó, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Trung Quốc với cáo buộc rằng nước này đã xuất khẩu công nghệ xe chở tên lửa cho Bình Nhưỡng, vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ quân sự của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chối bỏ cáo buộc này.
Nguồn tin của Yonhap còn cho biết thêm, vụ bắn thử mới nhất của mẫu tên lửa KN-08 đã được Triều Tiên tiến hành công khai bất chấp họ biết rằng mọi “chuyển động” của họ đều bị các vệ tinh do thám của Mỹ theo dõi sát sao.
“Vụ thử nghiệm động cơ mới đã được tiến hành trước khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 3 có thể nhằm mục đích ‘dằn mặt’ Mỹ và các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) của họ”, hãng tin Yonhap giải thích.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên đã lập tức nhận được sự chỉ trích quyết liệt của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế. Để đáp trả những sự chỉ trích này, Triều Tiên đã “bắn tin” thông qua Trung Quốc – đồng minh thân thiết của họ rằng trong năm 2013 nước này sẽ còn tiến hành ít nhất 2 vụ thử hạt nhân nữa.
Ngay sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo vụ thử hạt nhân lần 3 đã thành công, một cuộc tuần hành với khoảng 100.000 người tham gia đã được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Mỹ là quốc gia phát hiện ra việc Triều Tiên nâng cấp bãi phóng tên lửa đầu tiên đã tố cáo Iran chính là nguồn cung cấp công nghệ cho Bình Nhưỡng.
“Một hệ thống che phủ được sử dụng để bảo vệ những tổ hợp tên lửa lớn tránh việc rò rỉ khí gas đã được triển khai tại bãi phóng của Triều Tiên và hệ thống này rất giống với những gì đang được sử dụng ở bãi phóng Semnan của Iran”, báo cáo của Viện Mỹ - Hàn Quốc (Trường ĐH Johns Hopkins, Baltimore – Mỹ) viết.
Cũng trong báo cáo của mình, Viện Mỹ - Hàn Quốc dự đoán đến khoảng năm 2016, Triều Tiên có thể sản xuất được những mẫu tên lửa có tầm bắn xa gấp 4-5 lần so với thế hệ tên lửa Unha-3 mà Bình Nhưỡng vừa tiến hành thử hồi tháng 12/2012 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 bay vào quỹ đạo.
“Nếu Triều Tiên còn tiếp tục phí phạm ngân sách vào việc phát triển vũ khí quân sự họ sẽ rất khó để tiếp tục duy trì chế độ của mình”, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cảnh báo.