Mong lãi vay xuống dưới 10%
Phản ánh về thực trạng khốn khó của doanh nghiệp bất động sản tại một hội nghị vừa mới diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Ðầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho rằng, khó khăn lớn nhất để giải quyết hàng tồn kho lúc này chính là khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Theo vị chủ tịch này đánh giá, với doanh nghiệp lớn còn đỡ khó khăn, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Để tháo gỡ nút thắt hàng tồn kho, ông Tuấn kiến nghị chính quyền Hà Nội cần “quan tâm hơn nữa” đến việc vay vốn của ngân hàng vốn dĩ đang gặp phải nhiều khó khăn hiện nay.
![]() |
Hà Nội đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực. Ảnh LD |
Đối với khoản tiền 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, Chủ tịch Handico đánh giá gói hỗ trợ này sẽ góp phần “kích cầu đầu ra” cho những sản phẩm căn hộ dưới 16 triệu đồng mỗi m2. Ông Tuấn cũng đề nghị cần sớm triển khai hướng dẫn để người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn này.
Trước con số 5800 căn hộ, cùng vài trăm căn biệt thự tồn kho trên địa bàn Hà Nội, chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản có tiếng ở Hà Nội này đề nghị thành phố, các đơn vị chức năng tập trung nguồn quỹ, thậm chí “ứng trước” tiền để giải quyết hàng tồn kho. Đồng thời vị đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Không chỉ với doanh nghiệp bất động sản gặp khó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác cũng phản ánh về tình cảnh “khốn đốn” hiện nay. Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) đã phải dùng cụm từ “cực kỳ gay go” để phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Do phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, số doanh nghiệp giải thể, người lao động mất việc rất lớn. Ông Lý lấy ví dụ đối với ngành chăn nuôi, đã có 44 trên 400 doanh nghiệp đã bị giải thể. Nhiều doanh nghiệp đang vướng nợ ngân hàng, nguy cơ không thể trả được. Vị đại diện này đánh giá doanh nghiệp đang bị rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
“Chính sách không sai nhưng tại sao lại không đi vào cuộc sống? Đó là do độ trễ của chính sách. Doanh nghiệp Việt Nam ít vốn, công nghệ thấp, lãi suất cao… dẫn tới tình cảnh không thể cạnh tranh trên sân nhà. Doanh nghiệp chúng tôi cũng có thế mạnh, doanh thu mỗi năm vài trăm tỷ, nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Doanh nghiệp càng lớn thì càng gặp khó vào thời điểm này”.
Ông Lý cũng khẩn thiết đề nghị “hạ ngay lãi suất xuống dưới 10%” ngay trong quý 3 năm 2013, để doanh nghiệp kịp thời đối mặt với những khó khăn của thị trường trong năm 2014.
Trước đề nghị giảm lãi vay xuống dưới 10%, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương nói, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam đang có chủ trương cho vay với lãi suất không quá 10%. “Ngân hàng tiếp tục huy động nguồn vốn rẻ hơn để dành những gói sản phẩm chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.
Giám đốc chi nhánh Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2012 đã 7 lần thay đổi lãi suất huy động và cho vay, với tổng mức giảm từ 6 – 8%. Tuy nhiên, bà Sương còn nói thêm rằng “ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải cân đối thu chi. Lãi suất chính là thu nhập cơ bản, chiếm tỷ trọng chính của ngân hàng”.
Trước những thách thức lớn hiện nay, ngành thuế Hà Nội cũng đã vào cuộc để “giải cứu” doanh nghiệp thoát khỏi cơn bĩ cực. Bên cạnh chính sách giảm thuế xuống mức tối đa cho doanh nghiệp mà Thường vụ Quốc hội đang bàn bạc, cho ý kiến, ngành thuế Hà Nội cũng triển khai giảm tối đa các thủ tục hành chính. Ví như việc giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
“Thay vì đến tận nơi thì doanh nghiệp chỉ cần gửi yêu cầu qua thư điện tử. Đến thời điểm này đã có khoảng 60 nghìn doanh nghiệp thực hiện chủ trương này” – Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn thông tin. Tuy nhiên ông Tuấn cũng phản ánh thực trạng nhiều doanh nghiệp khai báo “hàng tồn kho khống” để được hưởng chính sách ưu đãi. “Chúng tôi đang điều tra, xử lý những trường hợp này” – ông Tuấn khẳng định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội sẽ dành 50 tỷ đồng nhằm xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ngoài ra thành phố còn dành 328 tỷ đồng để doanh nghiệp dự trữ 10 nhóm hàng hóa thiết yếu, không để tình trạng sốt giá xảy ra.