Mẹ choáng khi con trai ngoan ngoãn nói bậy liên mồm
Trước mặt bố mẹ, 2 cậu con trai của chị Bùi Bích Liên (Cầu Diễn, Hà Nội) ngoan ngoãn và rất đáng yêu. Thế nhưng, một lần bất chợt chị Liên nghe thấy 2 con nói chuyện trong phòng, các con liên tục văng bậy, chị thực sự choáng.
Không biết sự có mặt của mẹ nên 2 cậu con trai lớp 7 và lớp 5 của chị Liên chửi thề, văng tục không ngơi mồm. Câu nói nào 2 anh em cũng phải kèm thêm từ tục. Chỉ khi thấy mẹ lên tiếng, 2 đứa trẻ mới im bặt. Chị Liên hỏi con tại sao có thể thốt ra những lời đó thì các con nói rằng nếu không làm như vậy thì con không thể nói chuyện cùng các bạn được. Con trai chị Liên cho biết, trong lớp hầu như bạn nào cũng có "từ đệm" trong các câu nói khi chuyện trò cùng nhau. Việc văng bậy với chúng là điều hết sức bình thường. Bạn nào ngoan, không biết nói bậy mới trở nên lạc lõng. Chị Liên cảm thấy rất lo lắng trước tình trạng nói bậy trở thành câu cửa mồm của các con.
Với nhiều đứa trẻ, việc nói tục chửi bậy trở thành văn hóa chung. Khi câu chửi trở thành trào lưu thì việc nói những "lời hay ý đẹp" se bị các bạn cho là "nói ngứa tai". Vì vậy, nhiều đứa trẻ cũng phải sử dụng những câu chửi thề để cho thấy mình giống những bạn khác, mình không yếu đuối. Việc nói tục chửi bậy thường được sử dụng khi nói chuyện cùng các bạn, còn khi trở về nhà, trước mặt bố mẹ, chúng lại rất ngoan ngoãn.
Trong trường hợp này, bố mẹ cần bình tĩnh giải thích cho con hiểu rằng nói tục là một hành động xấu. Bố mẹ hãy nói với con rằng khi tâm trạng khó chịu con người ta sẽ nói tục nhưng việc nói tục đó sẽ chỉ làm xấu mặt người đó mà thôi. Bố mẹ cần nói với con việc chửi bậy không hề hay ho chút nào, cũng không phải là thứ giúp chiến thắng đối phương hay thể hiện sức mạnh của bản thân.
Sau khi đã giúp con hiểu rằng chửi bậy là hành động xấu, bố mẹ có thể dạy con thể hiện cảm xúc như "không tốt", "tức giận", "buồn phiền", "bực mình", "xấu hổ" thay cho những câu chửi và khi con làm được thì hãy khen ngợi con.
Nếu con là đứa trẻ đã "chửi quen miệng" thì rất khó thực hành quy tắc cả ngày không nói tục một câu nào. Khi đó, bố mẹ cần quy định khoảng thời gian nhất định trong ngày con không được nói tục. Đầu tiên, bố mẹ cần yêu cầu con kiềm chế không chửi trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, ở một địa điểm nhất định nào đó. Sau đó, tích cực khích lệ con cố gắng kiềm chế không nói tục ở một địa điểm, tình huống, thời gian nào đó thì bố mẹ nên dần dần mở rộng phạm vi.
Bố mẹ cũng nói với con, ngay cả khi ở cùng bạn, con cũng phải hạn chế hành vi này thì mới có thể ngăn chặn những câu chửi buột miệng phát ra ở trong những tình huống khác.
Cuối cùng, bố mẹ nên sử dụng phần thưởng để khích lệ con, giúp con tăng dần thời gian không nói tục. Nếu trẻ tiếp tục chửi bậy, bố mẹ cần đưa ra các hình phạt để răn đe, như lấy đi các món đồ chơi yêu thích, không cho trẻ xem tivi, hoặc cắt giảm tiền tiêu vặt... Những hình phạt này sẽ khiến trẻ sợ và không dám ăn nói bừa bãi nữa.
Có thể thời gian đầu trẻ sẽ rất tức giận, nhưng dần dần chúng sẽ hiểu được lý do tại sao mình bị phạt.
Theo phunuvietnam.vn