Nữ sinh lớp 8 đã mang thai, các phụ huynh nên "sờ ngay vào gáy mình"
Là một bà mẹ, tôi không khỏi giật mình và lo lắng, không chỉ lo lắng cho những nữ sinh tí tuổi đã trót mang thai mà còn phải xem lại cách nuôi dạy con của mình đã đúng chưa.
Nữ sinh lớp 8,9 đã mang thai có thiếu sót nghiêm trọng của người lớn (ảnh minh hoạ) |
Liên tiếp trong vòng 1 tuần, báo chí liên tiếp đưa tin hai trường hợp nữ sinh lớp 8, 9 bất đắc dĩ có thai ngoài ý muốn. Hoàn cảnh hai em tương tự nhau khi lớn lên khi không có bố mẹ kề bên mà sống cùng ông bà.
Đó là trường hợp nữ sinh N.T.N (13 tuổi, ngụ xã Quảng Long, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) mang thai 5 tháng tuổi. Nguyên nhân được người nhà bé trình báo với cơ quan chức năng là do nhỏ tuổi, chưa hiểu biết nên đã quan hệ yêu đương với một thanh niên tên L. (28 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, H.Quảng Xương) dẫn đến có thai.
Gia đình bé gái này cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm tác giả bào thai trong bụng nữ sinh này. Nhưng điều đáng buồn hơn là do cái thai trong bụng ngày càng lớn nên N. không muốn đi học nữa.
Trước đó ít ngày, cũng tại Thanh Hoá, sự việc gây bức xúc trong dư luận là trường hợp em Đ.M.A. (SN 2006, là học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn thị xã Nghi Sơn) mang thai gần 15 tuần.
Nguyên nhân là trong thời gian nghỉ dịch, khoảng tháng 5 năm 2020, một số bạn trong lớp rủ Đ.M.A đi tham gia các hoạt động của lớp. Sau đó A đã được đưa đến nhà vài người bạn cùng lớp. Tại đây, A bị ép quan hệ với một bạn nam dẫn tới có thai.
Đau lòng hơn, sau khi gia đình nhà A đến nói chuyện với nhà bạn nam cùng lớp nhưng không nhận được sự hợp tác nên “cực chẳng đã” gia đình mới đưa câu chuyện nhờ chính quyền can thiệp.
Hiện giờ, cả hai vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết nhưng các bào thai trong bụng hai em ngày một lớn lên. Được biết, cả hai gia đình đều mong muốn giữ lại thai nhi. Thế nhưng với thể trạng của một bé gái lớp 8, 9 chưa phát triển đầy đủ với tâm hồn còn non nớt tôi không thể hình dung nổi các em sẽ sống và nuôi con như thế nào trong tương lai?
Là bà mẹ có con ở tuổi 17, từng chứng kiến con trải qua những giai đoạn muốn khám phá bản thân, tôi thấy thương các em nữ sinh một, giận những tác giả của bào thai mười nhưng trách người thân, nhà trường của các em gấp trăm, nghìn lần. Những người lớn dường như vẫn nghĩ chuyện giáo dục giới tính cho trẻ không phải việc của mình.
Trẻ mới lớn, nhu cầu khám phá bản thân, khám phá bạn khác giới là có thật nhưng trong lúc ở trường tiết học về giáo dục giới tính còn chưa được chú trọng mà gia đình lại né tránh thì việc các em phạm sai lầm rất dễ xảy ra.
Khi những đứa trẻ mới lớn thiếu kiến thức sinh sản, thiếu hiểu biết pháp luật thì chúng sẽ thực hiện các hành vi mà không hề lường đến hậu quả.
Tôi nghĩ rằng, nếu những bé gái biết rằng mang thai, nuôi dưỡng một đứa trẻ khó khăn như thế nào, các em phải đối diện với các nguy cơ sức khoẻ ra sao, thậm chí có thể đe doạ đến tính mạng… thì chắc các em sẽ tìm cách để thoát khỏi những cạm bẫy này.
Đặc biệt với tác giả của những bào thai, nếu ý thức sâu sắc việc quan hệ với trẻ vị thành niên là đối diện với án phạt tù, đối diện với sự dè bỉu, lên án của xã hội … thì chắc cũng sẽ biết kiềm chế mà không dám “hành sự”.
Tiếc rằng, dù báo chí có phản ánh những vụ việc tương tự nhưng thi thoảng lại xảy ra một vụ việc đau lòng hơn. Là một bà mẹ, tôi không khỏi giật mình và lo lắng, không chỉ lo lắng cho những nữ sinh đã trót mang thai mà còn phải xem lại cách nuôi dạy con của mình đã đúng chưa.
Ngay từ nhỏ, tôi đã nói với con trai rất nhiều lần bằng nhiều hình thức khác nhau về sức khoẻ sinh sản. Ngày bé thì hướng dẫn con cách chăm sóc “con chim xinh xinh”, giải thích với con vì sao lại gọi là “của quý”…
Đặc biệt, khi con học lớp 1, tôi đã cho bé ra ngủ riêng để ngăn ngừa nhỡ có lúc nào đó vô tình trẻ nhìn thấy bố mẹ “gần gũi”. Thậm chí, từ khi có con, những lần yêu đương của hai vợ chồng cũng phải kín đáo hơn. Tôi cũng không còn dám ăn mặc hở hang, thay quần áo trước mặt con nữa…
Đến khi con ở ngưỡng cửa của tuổi dậy thì, tôi mua sách hướng dẫn về giới tính cho con đọc, nhờ chồng chia sẻ với con trai về những vấn đề nhạy cảm, về tại sao lại có dịch nhầy, tại sao lại mọc râu, lông đen… và hơn hết cả là tư vấn cho con trai về trách nhiệm của người đàn ông như thế nào khi có con.
Song song với đó, tôi cho con đi học đàn, đi bơi và đá bóng… Có vẻ các hoạt động lành mạnh giúp cậu con trai tôi vượt qua giai đoạn dậy thì một cách nhẹ nhàng.
Đến giờ, sau mỗi vụ việc có thai ngoài ý muốn, bỏ rơi trẻ sơ sinh hay đánh chém nhau… tôi thường kể cho con nghe sau bữa cơm gia đình. Trong mỗi câu chuyện là một thông điệp tôi gửi đến con rằng vi phạm pháp luật đều chịu hình phạt nghiêm khắc.
Cuộc sống không biết trước ra sao, có người cho rằng tôi quá lạc quan, tin tưởng vào con mình, nhưng tôi luôn nghĩ, việc dạy con là cả một quá trình. Một đứa trẻ phát triển toàn diện, không đi chệch hướng bên cạnh sự giáo dục của nhà trường, của xã hội thì gia đình vẫn là thành trì quan trọng nhất giúp chúng trưởng thành.
Và khi bố mẹ, người thân dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc nuôi dậy con cái thì bằng cách này hay cách khác họ vẫn có thể tìm hiểu, dạy dỗ những đứa trẻ nên người. Mọi lí do như bận “kiếm tiền nuôi con” hay "biết gì mà nói", hoặc là "vẽ đường cho hươu chạy" chỉ là… bao biện mà thôi.
Bạn đọc Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội)