Mạng ảo không còn là nơi 'trú ẩn an toàn' của các hành vi vô tổ chức
Vào chiều 1/12, 3 người gồm Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân bị Công an TP. HCM khởi tố, cho tại ngoại, điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự. Những người này là trợ lý đắc lực của bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam) trong những buổi livestream xúc phạm nhiều người trên mạng xã hội.
Động thái này của cơ quan chức năng diễn ra sau hơn 9 tháng mở rộng điều tra vụ án bà Phương Hằng. Theo đó, Nhi, Hà và Tân là trợ lý của bà Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam, đã "thực hiện hành vi giúp sức tích cực" cho bà Hằng trong quá trình phạm tội. Việc giúp sức diễn ra liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Những người này đã tạo lập, quản lý các kênh trên mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok; đăng tải thời gian, chủ đề bà Hằng sẽ livestream; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà chủ Đại Nam livestream; đăng tải nội dung xúc phạm các nạn nhân trên trang cá nhân... Việc giúp sức của Nhi, Hà, Tân chỉ dừng lại khi bà Hằng bị bắt tạm giam hồi tháng 3/2022.
Trong quá trình mời làm việc và khi bị khởi tố bị can, 3 người đã thừa nhận giúp sức cho các hành vi vi phạm pháp luật của bà Phương Hằng. Cả 3 bị can khai rằng là nhân viên cấp dưới nên làm theo chỉ đạo của bà Nguyễn Phương Hằng, và do ảo tưởng quyền lực mạng xã hội nên không lường trước được hậu quả.
Ngày 2/12, trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết, việc làm trên của cơ quan chức năng là tín hiệu rất tích cực cho thấy chúng ta quyết tâm tới cùng để xử lý nghiêm khắc, mang tính làm gương đối với những hiện tượng trái pháp luật, không phù hợp trên môi trường mạng.
“Giờ đây, môi trường mạng không còn là nơi trú ẩn an toàn của các hành vi vô tổ chức, lợi dụng tính năng truyền thông và ảo của mạng xã hội để phổ biến những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến người khác.
Không chỉ là những người trực tiếp, mà kể cả những người giúp sức cho những hành vi sai lệch này cũng bị xử lý nghiêm. Việc làm này sẽ là bài học giúp cảnh tỉnh những người sử dụng mạng xã hội, làm trong sạch môi trường mạng, từ đó cũng giúp làm trong sạch môi trường văn hóa, xã hội, tạo điều kiện cho chúng ta định hướng phát triển nhân cách, đạo đức con người, đặc biệt trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ Internet và mạng xã hội đã để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội trong giai đoạn vừa qua”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Ông Sơn cho rằng, vụ việc này cũng là bài học tốt để chúng ta thấy những hành vi like, share trên mạng xã hội cần phải được thực hiện trên tinh thần trách nhiệm, lành mạnh, định hướng đạo đức, tôn trọng mọi người. Làm được như thế, chúng ta không chỉ giúp cho mỗi người sử dụng mạng xã hội hiểu rõ hơn về những chia sẻ của mình trên mạng, từ đó có hành vi đúng, phù hợp, mà còn giúp họ hình thành nhân cách, đạo đức từ việc sử dụng mạng xã hội, và rộng lớn hơn là góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, mạng xã hội là một trong những phát minh lớn của con người, giúp chúng ta có thêm nhiều thuận tiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, công nghệ cũng giống như một con dao hai lưỡi, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng có rất nhiều tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân và toàn xã hội. Chính vì thế, chúng ta cần phải trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh để từ đó tận dụng được những ưu thế, tác dụng tích cực, đồng thời tránh xa tác dụng tiêu cực đến từ mạng xã hội.
Mỗi hành động trên mạng xã hội của chúng ta cũng cần phải là những hành động thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với xã hội. Việc làm này không chỉ tốt cho người khác mà còn hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp cho mỗi người sử dụng.
Khi chúng ta ý thức sâu sắc về từng hành động chia sẻ trên mạng xã hội, mỗi hành động đẹp của từng người sẽ tạo nên cả vườn hoa đẹp cho đất nước. Đó cũng là những gì tất cả chúng ta cùng mong ước về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, thực sự đáng sống cho hiện tại và tương lai.
N. Huyền