Công dân số cũng cần được bảo vệ trên môi trường mạng
Thông tin trên được bà Phạm Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ tại sự kiện khởi động chương trình Safety Café Vietnam – sáng kiến nhằm mang lại những kiến thức cần thiết về an toàn trực tuyến và quyền riêng tư tới người dùng internet Việt Nam, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Ngoài những lợi ích của internet, bà Phạm Phương Chi cũng cho rằng không gian mạng luôn tiềm ẩn những cạm bẫy khó lường, sự phát triển của các nền tảng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến việc chuyển đổi số. Chỉ trong thời gian ngắn, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được lan toả đến khắp các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước, đạt được những kết quả tích cực trong việc xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số.
Trong quá trình chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn thông tin cũng là một trong những nội dung trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Đối với công tác đảm bảo an toàn thông tin, yếu tố con người là quan trọng nhất.
Thống kê cho thấy 80% nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố mất an toàn thông tin là do sự bất cẩn của người dùng. Đến nay số lượng người dùng mạng xã hội (MXH) đã lên đến 77 triệu, trong đó có 74 triệu người dùng Facebook, cho thấy MXH này đóng vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc và giải trí của người Việt.
Tuy nhiên, theo báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” được Unicef công bố tháng 8/2022 thì Facebook là một trong hai nền tảng MXH đứng đầu về số vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Cũng chính vì có lượng người dùng lớn nhất nên MXH Facbook là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo trực tuyến và là nơi chia sẻ các thông tin độc hại đến người dùng.
Do đó, việc nâng cao nhận thức của người dùng trên không gian mạng là rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ em. Năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 633/QĐ-TTg về chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Điều này thể hiện sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ trong việc bảo vệ thế hệ trẻ.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Việt Nam hãy coi việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói chung là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Có như vậy trẻ em mới được sống và phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn”, bà Phạm Phương Chi nói.
Bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công tại thị trường Việt Nam của Tập đoàn Meta chia sẻ, bản thân bà cũng là phụ huynh của hai học sinh. Cả hai đều thường xuyên dùng MXH để kết nối với bạn bè, gia đình, các nhóm sở thích, và các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài trường học. “Do đó, tôi hết sức quan tâm tới chủ đề an toàn trên không gian mạng cho trẻ em, không chỉ với tư cách đại diện cho Meta tại sự kiện này mà còn cả với tư cách hết sức cá nhân là mẹ của hai con”, bà Thảo Griffiths nói.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội internet Việt Nam, trải qua 25 năm kể từ khi lần đầu internet du nhập vào Việt Nam từ năm 1997, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi mạnh mẽ của internet đối với đời sống xã hội, nhất là sau khi có sự xuất hiện của smartphone.
“Bản thân tôi cũng là một phụ huynh có con đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, đương nhiên chúng ta không thể cấm con em mình sử dụng internet cũng như các nền tảng MXH. Điều cần thiết nhất là nhận thức và kỹ năng của thanh thiếu niên”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, hiện có những công cụ kỹ thuật có thể giúp phụ huynh tham gia vào tiến trình hỗ trợ hay giám sát, bảo vệ cho con em trong quá trình sử dụng internet. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đưa ra gói dịch cụ đi kèm đường truyền giúp bảo vệ an toàn hơn không chỉ trên khía cạnh phòng chống virus, phòng chống lừa đảo, mà còn kiểm soát thời lượng sử dụng.
Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là hướng dẫn để trẻ em có kỹ năng, đồng thời rèn cho trẻ tính kỷ luật thông qua các nguyên tắc về thời lượng, nội dung. Bên cạnh đó, bản thân các bậc phụ huynh cũng cần cập nhật, bổ sung các kỹ năng, kiến thức, bởi không phải tất cả người trưởng thành đều hiểu được nguyên tắc bảo vệ an toàn trên không gian mạng.
Tuân Nguyễn