Made in, Made by và Make in
Made in, Made by hay Make in?
Bình luận dưới góc độ thương mại, các chuyên gia kinh tế cho rằng thương hiệu quốc gia sẽ không chỉ là “những gì được làm tại Việt Nam”, mà còn là “những gì người Việt đang làm ra cho thế giới rộng lớn này”. Nói một cách khác, “Made by Vietnam” (tạo ra bởi người Việt) đang dần thay thế “Made in Vietnam” (làm tại Việt Nam) và buộc chúng ta phải có những ứng xử phù hợp theo mô hình đánh giá thương hiệu quốc gia ở góc độ này.
Lấy Samsung (của Hàn Quốc) là ví dụ, điện thoại được hãng này được bán khắp thế giới và nơi sản xuất chính đang nằm ở Việt Nam (Bắc Ninh và Thái Nguyên). Như vậy, khi mà ranh giới địa lý ngày càng mờ đi trên bản đồ kinh doanh toàn cầu, thì dấu ấn của thương hiệu, những giá trị được định vị trong tâm trí của mỗi người về một quốc gia lại càng trở nên quan trọng hơn. Nhưng phân định nó như thế nào lại không hề đơn giản.
Vậy thương hiệu quốc gia là gì? Đứng dưới góc độ truyền thông nhiều người cho rằng đó là tổng hợp của nhiều giá trị dựa trên hệ quả của những gì mà quốc gia ấy đã, đang và sẽ làm đồng thời truyền thông tốt những điều đó cho thế giới. Nói như “cha đẻ” marketing hiện đại của thế giới Philip Kotler: “Đất nước tôi nên là gì của thế giới?” và quay lại câu kinh điển với riêng Việt Nam: “Việt Nam có nên trở thành bếp ăn của thế giới hay không?”.
Gần đây khái niệm Make in Vietnam xuất hiện, nó được dùng nhiều cùng với khái niệm chuyển đổi số do Bộ TT&TT dẫn dắt. Made in, Made by hay Make in tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và đâu đó giá trị Việt Nam thụ hưởng là điều đáng phải bàn, đằng sau lớp áo thương hiệu quốc gia kia. Dùng khái niệm nào cũng được, điều cuối cùng cần hướng tới bên cạnh giá trị thương hiệu vẫn là giá trị thặng dư.
Việt Nam nên đi theo hướng nào?
Hãy lấy những chiếc điện thoại Samsung được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó nhà máy sản xuất trực tiếp đặt ở Việt Nam nhưng nhưng ai cũng biết đó là đại diện của Hàn Quốc. Hoặc, những cửa hàng sang trọng nhất của Tokyo không hề bán bất cứ chiếc máy ảnh Canon, Nikon nào được sản xuất tại Nhật, vì nó đã được gia công ở nhiều quốc gia khác. Nhưng Canon và Nikon vẫn được nhắc đến như niềm tự hào của người Nhật.
Việt Nam gần đây cũng có những thương hiệu đáng để tự hào. Ví dụ ô tô VinFast, viễn thông Viettel… Khi vinh danh Top 20 thương hiệu viễn thông hàng đầu thế giới, Viettel đứng thứ 17 và nhiều người sẽ hướng về mảnh đất hình chữ S. Như thế, chúng ta không chỉ nói về “Made in Vietnam”, “Made by Vietnam” hay “Make in Vietnam” – đó còn là nhiều yếu tố đứng sau.
Nhiều yếu tố là gì, hãy nhìn vào tấm hộ chiếu của bạn. Thương hiệu quốc gia bên cạnh những sản phẩm, thương hiệu kể trên thì thứ hạng tấm hộ chiếu, thứ hạng nền thể thao hay nhiều nhiều yếu tố khác cũng là cấu phần của Thương hiệu quốc gia. Nếu “Made by Vietnam” - một khía cạnh quan trọng trong định vị thương hiệu quốc gia, thì “Made in Vietnam”, nhấn mạnh tới xuất xứ. Trong khi Make in Vietnam lại chú ý đến xu hướng.
Ở góc độ khác, “Made by Vietnam” chính là một xu thế mới trong một bối cảnh mới, khi mà Việt Nam đã thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành một mắt xích không thể thiếu được trong quy trình vận hành của thế giới, thì “Made in Vietnam”, “Made in China”... lại mang ý nghĩa khác khi nó vẫn là thương hiệu của Mỹ.
Bởi người sáng tạo ra nó và chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm này chính là người Mỹ - thương hiệu quốc gia của họ khi nói về những đôi giày Nike Việt Nam hay Trung Quốc gia công cho họ. Và nói thẳng ra, Việt Nam hay Trung Quốc... cũng sẽ có thương hiệu trong quá trình này, nhưng chỉ là “thương hiệu gia công”. Chính vì vậy, Make in Vietnam đang là cái đích được nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới, nhất là các doanh nghiệp số.
Hải Việt