Vì sao không được garo khi bị rắn cắn?
Theo các bác sĩ, vào mùa mưa hè thường có các ca bị rắn độc cắn. Nếu không sơ cứu đúng cách có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
TS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết mùa mưa hè chính là mùa rắn thường hay đi kiếm mồi, trú ngụ ở nhưng nơi mà con người hay lui tới. Chính vì thế, tỉ lệ người bị rắn cắn tăng cao hơn rất nhiều so với các mùa còn lại trong năm. Rắn ít khi chủ động tấn công người, đa số các trường hợp bị rắn cắn là do con người chủ động bắt hoặc không may động chạm vào rắn. Các loại rắn độc hay gặp ở Việt Nam là: rắn lục, rắn hổ (hổ mang bành, hổ đất, hổ mèo), rắn cạp nong, rắn cạp nia...
Theo TS Tình khi bị rắn cắn sơ cứu vết thương cực kỳ quan trọng. Cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch, chuyển người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không để bệnh nhân tự di chuyển mà phải có người và phương tiện hộ tống (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn); bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp); để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim.
Khi bị rắn cắn vì sao không được garo |
Ngoài ra, cần mang rắn đến cơ sở y tế hoặc chụp hình ảnh rắn để cán bộ y tế nhận dạng. Trường hợp không bắt được rắn thì cố gắng nhớ hình dạng của rắn rồi mô tả lại để thầy thuốc định hướng chẩn đoán.
Khi bị rắn cắn, tuyệt đối không garo. Vì khi garo làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu, nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garo.
Khi tới bệnh viện bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
Tuyệt đối không rạch, chọc... tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,... nhiễm trùng nặng thêm). Không hút nọc độc hay chườm đá vì đều gây hại cho người bệnh.
Để phòng ngừa rắn cắn, TS Tình khuyến cáo sau cơn mưa, khi có lũ lụt, thu hoạch mùa màng và hạn chế đi lại bạn đêm; phải chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khi đi rừng núi, đồng ruộng, nương rẫy (đi ủng hoặc giầy cao cổ...).
Mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành; phải có gậy khua rắn; nếu đi ban đêm phải có đuốc hoặc đèn pin; trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần; thận trọng khi phải kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm; không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm; không trêu chọc rắn độc; không sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết, đã chặt đầu hoặc giả vờ chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công); không nên ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm.
Khánh Chi