'Ma men' tấn công CSGT phải xử lý hình sự
Luật sư cho rằng, những vụ tài xế say xỉn, chống đối, hành hung CSGT cần phải xử lý hình sự, hiện có nơi chỉ xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc áp dụng pháp luật không nghiêm minh.
Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông trên phạm vi cả nước có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Phần lớn các vụ các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra khi lực lượng thực thi nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm và truy bắt các đối tượng vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng.
Ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang túm cổ áo CSGT tại trụ sở làm việc khi bị kiểm tra nồng độ cồn. (Ảnh: Thành Trung) |
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Hà Nội) cho rằng: “Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hành vi phạm tội thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật.
Đáng lên án nhất là một số người dân, thanh thiếu niên, hoặc thậm chí những người có trình độ văn hóa cao cũng có thái độ thiếu tôn trọng, chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT)”.
Về quy định của pháp luật, luật sư viện dẫn, căn cứ khoản a, khoản 3, Điều 20 Nghị định 167 năm 2013, một trong những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Còn tại Điều 330 Bộ luật Hình sự quy định "Tội chống người thi hành công vụ" nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hình phạt cao nhất đối với tội danh trên là 07 năm tù.
“So với tính chất và mức độ nguy hiểm của những hành vi chống đối thì những mức hình phạt trên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa nên tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp; đồng thời việc xử lý hành chính hay hình sự thời gian qua đối với các vụ việc túm cổ, tát CSGT vẫn chưa được áp dụng đồng bộ.
Có nơi chỉ xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc áp dụng pháp luật không được nghiêm minh. Do đó, những vụ như tát, ghì cổ CSGT cần phải xử lý hình sự hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo sự nghiêm minh, làm gương cho người khác.
Qua những vụ việc vừa qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời nâng cao ý thức phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chức năng giải quyết các vấn đề gây rối trật tự trên địa bàn...
Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hành vi chống người thi hành công vụ", luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Hải Ngọc