Lương 0 đồng, tỷ phú Trần Đình Long quyết dừng đầu tư mới dù đã qua lúc khó nhất
Kế hoạch kinh doanh 2023 thận trọng
Sáng 30/3, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023.
Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long và Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương đặt kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động và nhu cầu thép còn yếu.
Theo kế hoạch, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2023 chỉ tăng 6,1% so với năm trước, lên 150 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 5,7% xuống còn 8.000 tỷ đồng.
Trong 2022, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long lần đầu tiên không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế được ĐHCĐ giao.
Đây cũng là lý do khiến Tập đoàn Hòa Phát "cắt" cả trăm tỷ thù lao. Cả hội đồng quản trị (HĐQT) của tập đoàn nhận lương 0 đồng. Trong năm 2021, HPG chi trả cho HĐQT 118 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ đồng/tháng.
HĐQT của Hòa Phát năm 2022 có 8 người, trong đó ông Trần Đình Long là Chủ tịch, ông Doãn Gia Cường, ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn là Phó chủ tịch. Ngoài ra các thành viên HĐQT có các ông Hòa Quang Việt, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Ngọc Quang và bà Trần Thị Thu Hiền.
Năm 2022 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế, của ngành thép và Tập đoàn Hòa Phát. Riêng trong quý IV/2022, HPG lỗ kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng, qua đó kéo lãi cả năm xuống còn hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 24% của năm trước đó. Doanh thu năm 2022 đạt gần 143 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2008, biên lợi nhuận của quý bị âm.
Trong năm 2022, những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của HPG gồm: thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có than cốc tăng gấp 3 lần hồi giữa năm; giá USD tăng mạnh…
Tuy nhiên, chia sẻ tại ĐHCĐ 2023 sáng 30/3, ông Trần Đình Long cho rằng, kết quả năm 2022 là “không tồi”.
Theo ông Long, trong năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sẽ dừng các hoạt động đầu tư mới. Và cũng trong năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tách bạch việc sản xuất kinh doanh và quản lý chiến lược.
Dồn lực cho Dung Quất, không đầu tư bất động sản
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, HPG sẽ tập trung cao độ cho dự án thép Dung Quất giai đoạn 2 quy mô 3 tỷ USD.
“Ở vào thời điểm hiện tại, Hòa Phát cắt giảm các khoản đầu tư bất động sản. Tập đoàn sẽ đầu tư một cách chắc chắn, từ từ”, ông Long nói.
Trong năm 2023, HPG sẽ không chia cổ tức cả bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu. Lý do là HPG có nhu cầu về vốn trong năm nay rất lớn. Theo đó, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD).
Theo ông Long, đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ đồng nữa, từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua.
Ông Long khẳng định, giai đoạn khó khăn nhất ngành thép đã qua đi. Nội lực ngành thép và Hòa Phát hiện rất tốt. Dù vậy, tất cả giờ chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Hiện tại nhu cầu tiêu thụ thép thấp.
Theo ông Long, trong tháng 1 và tháng 2, HPG bị lỗ. Tuy nhiên, tháng 3 có thể khả quan hơn.
Trước đó, theo VNDirect, Hòa Phát có thể lỗ tiếp quý I/2023 trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, sức cầu yếu và 3/4 lò cao của Hòa Phát vẫn đang ngừng hoạt động.
VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của Hòa Phát sẽ cải thiện trong quý III/2023. Trong năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng. Nhu cầu thép xây dựng Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm 9% so với cùng kỳ.
Mạnh Hà