Luật Bình đẳng giới: Xóa bỏ phân biệt về giới, tiến tới bình đẳng giữa nam và nữ
Ảnh minh họa |
Theo Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội: Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017.
Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Theo Luật Bình đẳng giới, mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Các chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới
1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.
3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Luật Bình đẳng giới cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; Bạo lực trên cơ sở giới; Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Luật Bình đẳng giới có 6 chương, ngoài những quy định chung thì có các nội dung: Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; Các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới; Thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và cuối cùng là các điều khoản thi hành.
Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan hữu quan ngày càng quan tâm. Theo thống kê của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, qua hai nhiệm kỳ, QH đã xem xét thông qua trên 60 luật, pháp lệnh có quy định được lồng ghép bình đẳng giới. Trong đó, tiêu biểu là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình… Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 cũng đã có nhiều quy định được lồng ghép về giới.