Lộ rõ điểm yếu của dệt may hậu WTO
Lộ rõ điểm yếu của dệt may hậu WTO
Sáng nay (29.2), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm Việt Nam ra nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hội thảo đã thu hút nhiều diễn giả, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan...
![]() |
Các diễn giả tại buổi hội thảo. |
Theo bà Đặng Phương Dung - Tổng Thứ ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phác thảo những thuận lợi và khó khăn sau 5 năm ngành dệt may ra nhập WTO. Bà Dung cho rằng, sau một thời gian nước ta ra nhập sân chơi lớn trong lĩnh vực thương mại thế giới WTO, đã bộc lộ rõ những hạn chế cố hữu mà ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải, gây cản trở sự phát triển của ngành dệt may nước nhà.
Những hạn chế đó, theo bà Dung là kinh nghiệm trong lĩnh vực làm thương mại xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may rất kém. Các doanh nghiệp dệt may chưa đầu tư thời gian, công sức một cách thỏa đáng trong việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng… để nâng cao uy tín trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, năng lực thiết kế tạo thêm giá trị gia tăng cũng rất hạn chế. Hiện nay, các doanh nghiệp đang nặng về gia công, giá trị gia tăng thấp, do đó lợi nhuận thu được cũng rất thấp. Cùng với đó là ngành dệt hiện nay đang bị bỏ lửng, kém phát triển, đặc biệt là khâu nhuộm, hoàn tất; ngành công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu làm hàng may xuất khẩu, do đó nhiều phụ kiện phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Sự xáo trộn và thiếu hụt lao động có tay nghề cũng đang là một rào cản đối với ngành dệt may. Hiện nay, lao động trung và cao cấp trong lĩnh vực may mặc đang rất thiếu, vì thế đang vấp phải sự cạch tranh khốc liệt với các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, thậm chí giữa các doanh nghiệp dệt may với nhau.
![]() |
Sự thiếu hụt lao động có tay nghề đang là một trong những rào cản của ngành dệt may. |
Những đòi hỏi gắt gao của tiến trình hội nhập quốc tế, sự hiểu biết của các doanh nghiệp đối với các yêu cầu phức tạp của quy định quốc tế như: WTO, FTA, TPP… còn rất hạn chế. Trong khi các nước nhập khẩu thường xuyên đưa ra các hàng rào kỹ thuật (tiêu chuẩn kỹ thuật); các vấn đề chống bán phá giá; các vấn đề về CSR; sản xuất sạch hơn, xanh hơn (các tiêu chuẩn về môi trường)… tạo ra những rủi ro lớn cho các doanh nghiệp.
Do những yếu kém nội tại trên đây của các doanh nghiệp dệt may, đã dẫn đến việc thích ứng, linh hoạt của các doanh nghiệp kém, nhất là đối với các thị trường nước ngoài như: EU, Mỹ, Nhật…
Để khắc phục hạn chế, đại hiện Hiệp hội Dệt may cho rằng, các doanh nghiệp cần phải thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng dệt may truyền thống với việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, sự linh hoạt thích nghi với những yêu cầu khắt khe tại tại thị trường các nước phát triển; nâng cao tay nghề của người lao động; nâng cao sự hiểu biết pháp luật quốc tế trong lĩnh vực xuất khẩu…
Về vấn đề này, theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, việc thực thi cam kết khi gia nhập WTO không chỉ là nghĩa vụ của một doanh nghiệp, sự cam kết của một quốc gia, mà còn nhằm đảm bảo nền kinh tế hoạt động một cách hiệu quả và cạnh tranh. Theo đó tạo dựng tín nhiệm, tin tưởng quốc tế đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Để làm được điều này, theo TS. Thành, Nhà nước cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý. Thúc đẩy và hướng tới thực hiện các quy chuẩn quy chế nền kinh thế thị trường. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để tạo dựng niềm tin và tiềm năng phát triển cũng như cải cách đối với nền kinh tế của Việt Nam…
Minh Nhật