Liên tục biến động nhân sự cấp cao, kết quả kinh doanh của SCB ra sao?
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 22.597 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm của SCB đạt 599,744 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận phân phối cho cổ đông ngân hàng mẹ là 585,876 tỷ đồng; lợi nhuận của cổ đông không kiểm soát 13,868 tỷ đồng; lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 385,8 đồng.
Trong khi đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ tại ngày 30/06 là 760.150 tỷ đồng. Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là 761.177 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 738.055 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đạt 384.274 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, trong đó đã bao gồm dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 5.517 tỷ đồng. Trong khi lượng tiền gửi SCB huy động từ khách hàng là 594.630 tỷ đồng.
Cũng giống như các kỳ báo cáo trước, báo cáo tài chính quý 2 của SCB chỉ công bố các thông tin cơ bản mà không có thuyết minh báo cáo tài chính cũng như không phân tích chất lượng tài sản, nhóm khách hàng cho vay,…. Do đó, những khách hàng lớn nào đang là “con nợ” lớn nhất của SCB vẫn là ẩn số.
SCB từng gây chú ý khi bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc trẻ nhất trong ngành vào tháng 5/2021 đối với ông Trương Khánh Hoàng (sinh năm 1986). Trước khi ông Hoàng làm quyền tổng giám đốc, SCB đã thay đổi tổng giám đốc 3 lần trong vòng 10 tháng.
SCB liên tục có sự biến động về vị trí nhân sự cấp cao. Trong 3 tháng qua, SCB đã bổ nhiệm 6 phó tổng giám đốc.
Hiện tại, Hội đồng quản trị SCB có 3 người gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Sun Ka Ziang Henry (sn 1957), và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng.
Ông Nguyễn Tiến Thành, thành viên HĐQT độc lập của SCB vừa mới đột ngột qua đời vào ngày 07/10. Ông Thành cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt.
SCB được thành lập vào năm 2011 trên cơ sở hợp nhất 03 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Cũng nhờ sự hợp nhất từ 3 ngân hàng nên SCB là ngân hàng có vốn điều lệ lớn trên thị trường, lên đến 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nước ngoài chiếm 27,87% (cổ đông tổ chức lớn nhất nắm giữ 9,35% vốn điều lệ). Các cổ đông trong nước nắm giữ 71,84% vốn điều lệ, trong đó cổ đông tổ chức trong nước nắm giữ 15,780% (cổ đông tổ chức lớn nhất chiếm 12,82%), cổ đông cá nhân chiếm 56,13%.
Ngân hàng có các công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản SCB (do ngân hàng sở hữu 100% vốn điều lệ); Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (81,80%).
Ngoài ra, SCB còn góp vốn vào các công ty liên kết gồm: CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Hạ Long (5,69%); CTCP Sài Gòn Kim Liên (9,9%); CTCP Du lịch Sài Gòn Vĩnh Long (1%); và CTCP Thông tin tín dụng Việt Nam (6,64%);
Hiện nay SCB chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ngân Giang