Lật tẩy chiêu ma, bẫy lừa giá khẩu trang tràn ngập chợ mạng
Lợi dụng nhu cầu tăng cao do dịch Covid-19 quay lại, trước mối lợi quá lớn từ món hàng này, không ít người đã sập bẫy lừa đảo từ cả khách đặt mua lẫn người bán khẩu trang qua mạng.
Hãi hùng mức giá khẩu trang được rao bán trên mạng. |
Sáng 29/7, giá khẩu trang y tế được các đầu mối đẩy lên ở mức phi lý 7-8 triệu đồng/thùng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo lời một đầu mối bán khẩu trang, hiện nguồn hàng vẫn rất dồi dào nhưng nhiều đại lý lợi dụng tâm lý sợ hãi đã đẩy giá lên cao. Tình trạng bong bóng khẩu trang này diễn ra ở cả TP Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Theo khảo sát của PV, mức giá khẩu trang y tế đang “nhảy múa” còn hơn cả giá vàng và không theo một mức giá chung cụ thể. Mức giá thấp nhất hiện nay được các đại lý rao bán là 3,5 triệu đồng/thùng, và mức giá phổ biến là trên 6,5 triệu đồng/thùng.
Giá khẩu trang phổ biến được rao bán trên 6 triệu đồng/thùng. |
Trước mối lợi quá lớn từ món hàng này, không ít người đã sập bẫy lừa đảo từ cả khách đặt mua lẫn người bán khẩu trang qua mạng.
Chị Tô Việt Hà, một nạn nhân của trò lừa đảo này cho biết, ngày 27/7 chị đặt mua 2 thùng khẩu trang y tế với giá 5 triệu đồng. Người bán hàng yêu cầu chị đặt cọc 50% trong tổng số 5 triệu đồng giá trị tiền hàng.
Điều đáng ngờ là người này yêu cầu chị Hà chuyển tiền cọc vào một số tài khoản mà tên chủ tài khoản này khác với tên người bán hàng. Thấy nghi ngờ nên chị yêu cầu chụp ảnh chứng minh nhân dân và được bên kia trả lời “vừa mới mất chứng minh thư, mới đi làm lại nên chưa nhận được”.
Người mua và người bán tố nhau trên mạng. |
Chị Hà cảm thấy mình là người may mắn khi đã cảnh giác từ ban đầu, bởi sau đó chị nhận được cảnh báo từ một người từng là nạn nhân của chính đối tượng nói trên trong một giao dịch hàng hóa khác.
Không may mắn như chị Hà, chị Như Ngọc, một người mua khẩu trang để bán lại cho biết, chị đặt cọc 10% cho người bán, nhưng sau khi chuyển tiền là không thể liên lạc được với người bán.
Tình trạng lừa đảo không chỉ diễn ra phía người bán mà cả ở người mua. Trên một diễn đàn mua bán về khẩu trang y tế, thành viên My My chia sẻ chị từng bị khách mua nợ 8,4 triệu đồng tiền hàng. Sau khi nhận được 5 triệu đồng, chị My My không thể nào liên lạc được với khách hàng và đành ngậm ngùi chấp nhận mất 3,4 triệu đồng còn lại.
Nhiều người chuyển tiền xong là không thể liên lạc được với người nhận tiền. |
Không riêng chị My My, có rất nhiều người cùng tố tài khoản Facebook D.T.V đặt cọc mua khẩu trang, sau khi nhận hàng liền chặn Facebook người bán khiến khổ chủ không thể liên lạc để đòi lại số tiền khách còn nợ.
Ngoài những trường hợp trên, còn rất nhiều trường hợp khác bị vạch trần về hành vi lừa chuyển tiền đặt cọc sau đó không chuyển hàng, hoặc nhận hàng xong không chuyển nốt số tiền còn lại.
Do đó, người tham gia mua, bán khẩu trang trên mạng cần cảnh giác lựa chọn những địa chỉ uy tín, yêu cầu người mua, người bán cung cấp thông tin cá nhân rõ ràng. Đặc biệt, cần tỉnh táo để không bị những kẻ trục lợi dẫn dắt vào cuộc thổi giá mới.
Hiền Anh
Loạn giá khẩu trang trên chợ mạng, cẩn thận mắc bẫy "chim mồi" thương lái Trung Quốc
Thông tin về dich Covid-19 lây trong cộng đồng khiến giá khẩu trang y tế bán trên chợ mạng tăng chóng mặt trong hai ngày vừa qua.