Loạn giá khẩu trang trên chợ mạng, cẩn thận mắc bẫy "chim mồi" thương lái Trung Quốc
Thông tin về dich Covid-19 lây trong cộng đồng khiến giá khẩu trang y tế bán trên chợ mạng tăng chóng mặt trong hai ngày vừa qua.
Mặc dù khẩu trang vải có thể tái sử dụng 15-20 lần cũng có tác dụng ngăn ngừa Covid-19, vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường song nhiều người vì ngại giặt vẫn ưa thích khẩu trang y tế. Theo tìm hiểu của PV Infonet từ những đầu mối bán khẩu trang, giá khẩu trang vải đang khá ổn định ở mức 100.000 đồng/hộp 50 chiếc.
Khẩu trang được rao bán trên mạng với giá 2,5 triệu đồng/thùng, nhưng chỉ sau 1 ngày, mỗi thùng khẩu trang đã tăng lên từ 3,4-4 triệu đồng. |
Chị Nguyễn Thu Trà, một người bán khẩu trang trên mạng cho biết, mức giá trên là giá bán lẻ, nếu mua số lượng nhiều có thể giá sẽ “mềm” hơn.
Ngược lại, giá khẩu trang y tế lại tăng vọt theo từng giờ trong hai ngày qua.
Cụ thể, trong ngày thứ Bảy, 25/7, giá khẩu trang y tế được các đầu mối “hét” 1,1 triệu đồng/thùng, nhưng đến đầu giờ sáng Chủ nhật, sau khi thông tin về hai ca nhiễm mới được phát đi rộng rãi, mức giá đã được đẩy lên 1,8 triệu đồng/thùng.
Chưa dừng lại ở đó, đến tối cùng ngày giá đã được đẩy lên lần lượt 3,4 triệu đồng/thùng, rồi 4 triệu đồng/thùng, một mức giá không tưởng nếu biết rằng mỗi thùng khẩu trang gồm 48 hộp, mỗi hộp 50 chiếc.
Trước sự “nhảy múa” về giá do người bán mặc sức đẩy lên, dù là một người bán khẩu trang nhưng chị Lương Hiền cũng không giấu nổi bức xúc: “Chưa bao giờ lại cảm nhận sâu sắc về việc lợi dụng cơ hội để trục lợi như thế này. Trước khi có thông tin về dịch, giá nhập vào ở mức 1,5-1,6 triệu đồng/thùng.
Nhưng khi nghe có bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng, giá khẩu trang bị đẩy lên 3,8 triệu đồng/thùng chỉ trong một ngày. Tôi thực sự bị sốc từ hôm qua đến nay”.
Theo chia sẻ từ chị Hiền, trong khi người dân đang hoảng hốt, lo sợ về đại dịch, thậm chí một số người còn bị mất việc vì hậu quả của dịch gây ra, thì một số kẻ cơ hội lại tranh thủ vơ vét cho mình. Chính vì vậy, chị quyết định “dừng cuộc chơi” vì không muốn tiếp tay đẩy giá khẩu trang tăng hơn cả giá vàng như vậy.
“Mọi người hãy bình tĩnh, không cần phải đặt mua cả thùng. Mỗi nhà chỉ cần đặt 1-2 hộp để đủ dùng. Khi cầu giảm thì ắt cung sẽ phải cân đối lại. Chiến đấu với dịch là lâu dài, nếu không có khẩu trang dùng một lần thì mọi người có thể dùng khẩu trang vải” – Chị Lương Hiền nói.
Trong khi đó, một đầu mối bán khẩu trang cho hay, nếu người dân chỉ cần mua đủ dùng, không tích trữ thì những người bán khẩu trang chẳng thể lợi dụng để tăng giá bán, bởi nguồn cung khẩu trang y tế cũng như khẩu trang vải trên thị trường hiện nay tương đối dồi dào.
“Sau dịch Covid-19 hồi đầu tháng 3, các xưởng may khẩu trang đã mọc lên như nấm. Hầu hết các dây chuyền sản xuất cũng như nguyên vật liệu đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chất lượng khẩu trang cũng nhiều kiểu, có loại kiểm soát chất lượng tốt, bên cạnh đó, các cơ sở quy mô nhỏ lẻ thiếu quy chuẩn cũng sản xuất, nên giá bán không biết đâu mà lần”, một đầu mối bán khẩu trang (đề nghị giấu tên) chia sẻ.
Ngay từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 tháng 3, đi kèm là cơn sốt giá khẩu trang, đã có hiện tượng khả năng thương lái Trung Quốc đặt mua khẩu trang y tế với giá cao, sau đó lại bán cho người trả giá cao hơn (thường là "chim mồi”). Khi giá đẩy lên cao chót vót rồi thì lô hàng khẩu trang y tế này sẽ rơi vào chủ người buôn là người Việt. Vì vậy, việc chợ mạng rao giá đội từng ngày cũng không loại trừ khả năng một số đầu nậu cố tình tạo cơn sốt ảo để trục lợi.
Trước đó, ngay sau khi Việt Nam công bố 1 trường hợp lây nhiễm cộng đồng mới (bệnh nhân số 416): 57 tuổi, thường trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm soát tình hình sản xuất, xuất khẩu khẩu trang… để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch trong nước.
Đến 11 giờ ngày 26/7/2020, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã đi giám sát 547 cửa hàng kinh doanh khẩu trang; nước sát khuẩn; găng tay trên địa bàn. Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình vẫn ổn định, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua; cửa hàng không găm hàng; niêm yết giá rõ ràng; nguồn hàng được đáp ứng đầy đủ.
Hiền Anh
Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, mỳ tôm, gạo đắt hàng
Sau khi chính quyền Đà Nẵng thông báo thực hiện giãn cách xã hội từ 13h chiều nay, nhiều người dân thành phố đã mua mỳ tôm, thịt, gạo… để dự trữ.