Lạm phát thấp nhất trong 10 năm: Chẳng đáng tin?
Không bất ngờ!
Sáng 24/4, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, chỉ tăng 0,02% so với tháng 3. So với cùng kỳ năm 2012, chỉ số CPI tháng 4/2013 tăng 6,61% và tăng 2,41% so với tháng 12/2012.
Công bố ngay sau 2 đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đưa ra con số CPI giảm lần lượt là 0,15% và 0,33%, CPI cả nước tăng nhẹ 0,02% nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia giá cả.
Trong số các mặt hàng chủ lực đóng góp vào "rổ" hàng hóa tính CPI thì nhóm hàng ăn uống và dịch vụ giảm 0,91%, mức giảm nay khiến chỉ số chung giảm gần 0,4% so với tháng trước. Trong đó, nhóm lương thực giảm 0,86%, thực phẩm giảm 1,24% và ăn uống ngoài gia đình giảm gần 0,4% so với tháng 3/2013.
Vẫn tiếp đà giảm tháng trước, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15%.Tính từ đầu năm, giá nhóm này đã giảm 0,28%. Do lượng hàng tồn kho bất động sản vẫn là "chướng ngại vật" nên nhóm hàng vật liệu xây dựng tiếp đà giảm.
Tác động tăng từ phí dịch vụ khám chữa bệnh tại một số tỉnh, thành phố cũng khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 3,62% so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng việc lấy giá và thống kê giá từ chợ là chưa chuẩn xác Ảnh: Internet |
Lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua nhóm hàng giao thông tăng trở lại với mức tăng 1,2% do tác động trực tiếp từ các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vừa qua.
Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào CPI chung là vàng và Đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi được ghi nhận ở các mức tương ứng là giảm 2,56% và tăng 0,01% so với tháng trước.
Trong 10 tỉnh được lựa chọn để công bố CPI (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Gia Lai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế), duy chỉ có Hải Phòng có chỉ số giá tăng so tháng trước là 3,65%, chỉ số giá 9 tỉnh còn lại đều giảm, thậm chí thành phố Cần Thơ còn giảm khá mạnh -0,46% so với tháng trước.
Cách tính CPI có vấn đề?
Nghi ngờ về con số giảm của nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 4 giảm 0,4%, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú quả quyết, nhóm hàng hóa này thực chất là tăng chứ không giảm. " Giá đang tăng ngầm chứ không phải giảm mà người tiêu dùng không hề hay biết" – ông nói. Đơn cử, để tránh tăng giá, giữ chân người tiêu dùng trước đây một gói bim bim có khối lượng đóng gói 380 gr nhưng thực tế đã bị "rút ruột" chỉ còn 365 gr; hay như gói cà phê thay vì 18 gr thì nay chỉ còn 16 gr...
Ông Phú cũng cho rằng, cách chọn rổ hàng hóa để thống kê hiện nay của cơ quan thống kê đang có vấn đề. "Cách chọn rổ hàng hóa hiện nay không chuẩn, siêu thị mới niêm yết giá, chợ không niêm yết giá nhưng tại sao lại lấy giá ngoài chợ để thống kê? Đã tới lúc cơ quan thống kê phải thay đổi cách tính và thống kê giá hiện tại. Rổ hàng hóa phải lấy ở siêu thị kết hợp với chợ, cùng thời điểm... thì mới chính xác" – ông Phú nói.
Không bất ngờ về con số CPI tháng 4/2013, TS. Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, mức tăng thấp của CPI tháng 4 là một tất yếu khi sức mua trong nước chưa có cải thiện, thậm chí đang ngày càng cạn kiệt. "CPI tăng rất ít lo nhiều hơn mừng" – ông Long nói.
Trong bối cảnh nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giải thể, sức mua cạn kiệt và hàng tồn kho cao thì CPI chỉ tăng 0,02% ở khía cạnh nào đó sẽ tác động tích cực tới sức cầu nền kinh tế. Nhưng tăng thấp quá chứng tỏ sản xuất chưa thoát khỏi cảnh đình trệ, khoảng cách cung – cầu dãn rộng hơn. "Phải có cảnh báo để làm sao vừa kiểm soát lạm phát, vừa đẩy mạnh thúc đẩy tăng trưởng trở lại, nếu không muốn nền kinh tế rơi vào cảnh kiệt quệ" – TS. Long thẳng thắn.
Với diễn biến vĩ mô hiện tại ông Phú nhận định lạm phát cả năm sẽ dưới mức 6,8%. Nhưng nếu không giải quyết được lượng hàng tồn kho và sức mua không cải thiện thì có nguy cơ "đi vào con đường đình lạm". Ở khía cạnh này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, lạm phát âm còn nguy hiểm hơn nhiều.
Để tránh lạm phát âm, ông Long đề xuất phải thay đổi quan điểm điều hành vĩ mô, từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung. "Muốn vậy phải dựa trên 3 trụ cột: giảm thuế, phí; tạo ra thị trường vốn thông thoáng và điều tiết hợp lý. Và quan trọng là phải nâng cao chất lượng điều hành vĩ mô.