Không để DNNN tranh giành cơ hội với tư nhân
Không để DNNN tranh giành cơ hội với tư nhân
Những góc nhìn mới về đầu tư công, DNNN trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế một lần nữa được các chuyên gia đưa ra "mổ xẻ" tại hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN do Viện Kinh tế tổ chức tại Hà Nội.
Hậu quả của đầu tư dàn trải kéo dài khiến gánh nặng nợ công gia tăng |
Nợ công đang “oằn mình”
Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2012 Việt Nam đã chi 100.000 tỷ đồng để trả nợ. Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, tới cuối năm 2009 tổng số nợ công của Việt Nam là 52,6% GDP, nhưng cuối năm 2010 đã tăng vọt lên 56,6% GDP và giảm nhẹ vào cuối năm 2011 còn 54,6% GDP. Dự kiến năm 2012 nợ công của Việt Nam sẽ tăng trở lại, chiếm 58,8% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 46,1% GDP, 2015 tổng số nợ công sẽ vào khoảng 60-65% GDP, đang ở mức quá cao so với các nước trong khu vực.
Theo TS. Ánh, trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì phải làm sao hướng đầu tư công vào dự án hiệu quả, thay vì đầu tư dàn trải, rồi cuối cùng lại phải quay ra “xén, gọt”.
“Việc cắt giảm đầu tư công chỉ mang tính kỹ thuật, khi nguồn lực hạn hẹp quan trọng nhất là phải hướng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Cái giá phải trả cho thâm hụt ngân sách để dành cho đầu tư công vừa qua rất lớn khi chúng ta phải vay nợ rất nhiều để bù đắp. Xét về tài chính, các dự án này phải tạo ra tài chính để từ đó hoàn vốn trả nợ lãi, nợ gốc, giảm gánh nặng cho rủi ro nợ công”.
“Định vị” lại DNNN
Trong khi câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công là việc sử dụng đồng vốn, phân bổ đồng vốn sao cho có hiệu quả thì tái cơ cấu DNNN lại là sử dụng các nguồn lực để gia tăng giá trị đóng góp cho nền kinh tế.
DNNN lẽ ra là xương sống của nền kinh tế, nhưng trong một thời gian dài nhiều DNNN hoạt động và phát triển chưa tương xứng, đầu tư ngoài ngành dàn trải hoặc đầu tư “lấn sân” sang cả khu vực tư nhân. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải “trả” DNNN về đúng vị trí của nó, hoặc trước mắt chỉ cần DNNN thực hiện nghiêm không đầu tư ra ngoài ngành để tạo tiềm lực cho nền kinh tế.
“Mục tiêu lớn nhất của một trong 3 trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế là đưa DNNN trở về đúng chức năng của mình, tức là định vị lại chức năng của DNNN, chứ không phải đi tranh giành với khu vực tư nhân để giành cơ hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cái gì tư nhân làm tốt thì hãy để tư nhân làm, còn DNNN chỉ phát triển những ngành nghề trụ cột, mang tính xương sống” – ông Thiên nói.
Con số đầu tư ra ngoài ngành của DNNN mà TS. Lê Đăng Doanh đưa ra tới thời điểm hiện tại khoảng 20.000 tỷ đồng, trong thực tế có thể còn lớn hơn nhiều, nhưng với chừng ấy đã có thể nhận thấy bức tranh đầu tư của DNNN đang rất “méo mó”. “Dầu khí thì nên tập trung vào dầu khí, điện thì phát triển điện, đừng “nhảy” sang các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, để rồi đến lúc lại phải vất vả thoái vốn”- TS. Doanh nhìn nhận.
TSKH. Võ Đại Lược: Tái cơ cấu đầu tư cần một tư duy mới Chúng ta đã bàn rất nhiều tới chuyện tái cơ cấu kinh tế, nhưng chữ “công” và “Nhà nước” chiếm thị phần quá lớn trong nền kinh tế, nếu cứ giữ mãi quan điểm đó thì khó có thể tính tới chuyện tái cơ cấu triệt để. “Tái” là phải thay đổi, mà thay đổi vẫn dựa trên những luận cứ cũ, quan điểm cũ thì không thể làm nổi. Tôi cho rằng mọi chuyện phải bắt đầu tư đổi mới tư duy, có thế mới đi tới giải quyết triệt để, rốt ráo vấn đề. |
Trường Giang