Khói thuốc ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp trên như thế nào?
Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi và đi qua mũi vào vùng hầu họng, khí quản, phế quản và phổi.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Còn tại Việt Nam, theo tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
PGS. Hoài An cho biết khi trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân là nam giới có các bệnh liên quan tới vòm mũi họng, bà đã tiến hành khảo sát 10 người bất kỳ thì 9 người được hỏi đều biết rằng, thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng và là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư vòm họng, ung thư phổi.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là ít người hiểu rõ cơ chế gây bệnh cũng như nắm vững cách thức phòng chống những tác hại từ thuốc lá.
Đối với các cơ quan hô hấp, thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều. PGS An chia sẻ các nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá ảnh hưởng tới các bộ phận khác nhau:
Ví dụ như mũi: Những bệnh thường gặp như viêm mũi, viêm xoang không phải chỉ do thời tiết mà còn do chúng ta hít phải những khí độc, khí độc nhất chính là khói thuốc. Hút thuốc ảnh hưởng đến các lông mao trong xoang. Khi hít phải khói thuốc lá, các sợi lông mao trong mũi sẽ bị tê liệt và các chất nhầy sẽ tích tụ trong xoang gây nhiễm trùng và viêm.
PGS An nội soi cho bệnh nhân. |
Vùng hầu họng: Hút thuốc lá gây ra nguy cơ ung thư vòm họng. Và thực tế đã rất nhiều người bị ung thư vòm họng, kể cả những người chỉ hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ bị căn bệnh này. Khi khói thuốc đi và họng, các tế bào ở cổ họng bị tổn thương và xói mòn dẫn đến sự thay đổi ở các tế bào hình thành và tái tạo, dẫn đến ung thư vòm họng.
Ngoài ra những người hút thuốc lá thường bị những cơn ho dai dẳng kéo dài, đờm nhiều trong cổ họng… rất khó chịu. Nguyên nhân do khói thuốc ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc lót cho cổ họng, cuối cùng làm giảm hiệu quả bảo vệ của niêm mạc, gây kích ứng và khô cổ họng.
Đối với phế quản, khí quản khi hút thuốc, các lông mao này bị hư hại nhiều bởi khói thuốc và hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến ngứa ở khí quản, gây ho. Khói thuốc lá khi vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp đến các niêm mạc thanh quản tác động vào các dây thanh âm, khiến giọng nói thay đổi như khản giọng.
Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở, do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hútthuốc do đó hình thành các tiếng ran rót, ran ngáy và có thể bị khó thở.
PGS An khuyến cáo bỏ thuốc càng sớm càng tốt đó là cách ngăn chặn các bệnh do thuốc lá gây ra.
K.Chi