Tại sao phải tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, tiêm bao lâu thì có kháng thể?
Liều vắc xin Covid-19 đầu tiên tiêm vào cơ thể giúp tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, liều thứ hai là điều cần thiết để đảm bảo khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn.
Tiêm vắc xin Covid-19, mũi 1 tác dụng phụ nặng có nên tiêm mũi 2?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, vắc xin là loại thuốc rất khác biệt so với thuốc chữa bệnh thông thường, người tiêm ngoài bảo vệ được cho chính mình còn bảo vệ được người thân.
Theo GS Nguyễn Gia Bình – Bệnh viện Bạch Mai, sau tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên khoảng 2 tuần cơ thể sẽ sinh kháng thể.
Liều vắc xin Covid-19 đầu tiên tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, liều thứ hai là điều cần thiết để đảm bảo khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn.
Hiện các thử nghiệm vắc xin Covid-19 đã có thể bảo vệ, giúp giảm nguy cơ phải nhập viện. Hai tuần sau liều thứ 2, cơ thể đã tạo được khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Đến nay vắc xin Covid-19 giúp người tiêm tránh nguy cơ bệnh nặng và tránh nguy cơ tử vong, làm giảm đáng kể khả năng xuất hiện các triệu chứng của Covid-19. Hơn thế, các loại vắc xin này giảm khả năng nhiễm virus và lây cho người khác.
Một vài bằng chứng gần đây cho thấy số lượng virus được tạo ra không đủ nhiều để có thể lây cho người khác ví dụ như trường hợp của nhân viên tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Họ đã được tiêm vắc xin và 52/53 người bị bệnh nhưng không hề có triệu chứng.
Đến nay Việt Nam có hơn 3,5 triệu liều vắc xin được tiêm và 182.481 người được tiêm mũi 2. Sau tiêm mũi đầu cơ thể cần thời gian để kích hoạt hệ thống miễn dịch nên trong vòng 2, thậm chí là 3 tuần, nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao. Nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau liều đầu tiên. Vì vậy GS Bình khuyến cáo sau tiêm vắc xin vẫn tuân thủ 5K. Không nên có thói quen an tâm tiêm rồi lơ là, tụ tập đông người.
Ảnh minh họa. |
TS Phạm Hùng Vân – Chuyên gia về vi sinh học tại TP.HCM cũng cho biết đối với tác nhân SARS-CoV-2 gây Covid-19 thì các nhà khoa học đã rất sớm giải trình tự toàn bộ genome cũng như nuôi cấy được virus nên đã sớm xác định được thành phần gây bệnh chính của virus, đó là các protein gai hay gọi là protein S (Spike) hiện diện trên bề mặt của virus.
Biết được thành phần chính gây bệnh của SARS-CoV-2 đồng nghĩa là các nhà khoa học đã biết được kháng nguyên kích hoạt hệ thống miễn dịch bảo vệ của cơ thể chống được bệnh Covid-19, đó chính là các protein S của virus. Như vậy thì đích nhắm của chế tạo vắc xin là phải chứa được thành phần kích hoạt được miễn dịch của cơ thể ngăn chặn hoạt động protein S của SARS-CoV-2.
K.Chi