Tiêm vắc xin Covid-19, mũi 1 tác dụng phụ nặng có nên tiêm mũi 2?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, vắc xin là loại thuốc rất khác biệt so với thuốc chữa bệnh thông thường, người tiêm ngoài bảo vệ được cho chính mình còn bảo vệ được người thân.
Cách hạn chế tối đa phản ứng sau tiêm
Đối với loại thuốc chữa bệnh thông thường thì người sử dụng thuốc chính là người được thụ hưởng, nghĩa là người nào sử dụng thuốc thì có tác dụng đối với chính người đó. Người được tiêm ngừa được bảo vệ để phòng tránh bệnh và những người ở xung quanh người được tiêm vắc xin ấy cũng được bảo vệ.
Khi tiêm chủng Covid-19, những người bị các bệnh mãn tính, huyết áp tăng, giảm, người già, phụ nữ có thai, người mạch nhanh, người có cơ địa dị ứng nặng bao gồm cả sốc phản vệ, khó thở, phụ nữ cho con bú cần hết sức thận trọng.
Để tránh vấn đề phản ứng phản vệ khi tiêm vắc xin thì người được tiêm phải hợp tác tốt với nhân viên y tế. Nhân viên y tế trước khi tiêm phải hỏi người đi tiêm vắc xin các câu hỏi theo bảng sàng lọc. Ví dụ người được tiêm vắc xin có bị dị ứng gì không, ăn hải sản có bị ngứa hay không, hiện có bị bệnh cấp tính hay đang điều trị bệnh gì... để xem có tương thích với loại vắc xin này không.
Tuy nhiên, việc sàng lọc này không thể đánh giá 100% được bởi có những người trước đây rất khoẻ mạnh, chưa bao giờ dị ứng với thức ăn, thuốc, chích ngừa nhưng vẫn có nguy cơ bị phản vệ khi tiêm vắc xin.
Chính vì vậy sau khi chích ngừa, nhân viên y tế yêu cầu người được chích ngừa phải ở lại 30 phút đến 1 giờ tại điểm chích đó để nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, họ có thể hỗ trợ cấp cứu tại chỗ ngay lập tức. Các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện có thể chủ động theo dõi dài hơn nữa.
Ảnh minh họa. |
Những thắc mắc về vắc xin
Mang thai có nên tiêm?
Theo Thạc sĩ Thái hiện dữ liệu về phản ứng của em bé trong bụng mẹ khi tiêm vắc xin chưa có nên nhà sản xuất, các công ty quản lý về y tế đều nhấn mạnh cân nhắc kỹ về việc có tiêm vắc xin khi mang thai hay không. Hiện chúng ta chưa chỉ định nhưng cần cân nhắc lợi ích của tiêm và không tiêm.
Ngoài ra, các thông tin vắc xin ảnh hưởng đến thai nhi chưa có nên chưa thể trả lời được chính xác thời gian tiêm vắc xin Covid-19 tới khi mang thai là bao nhiêu nhưng bằng chứng mang thai chưa phải là chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19. Nếu người tiêm thấy lợi ích của tiêm vắc xin nhiều hơn nguy cơ thì có thể tiêm trước, trong, sau thai kỳ.
Làm sao để biết có kháng thể?
Thạc sĩ, bác sĩ Thái cho rằng sau khi tiêm vắc xin Covid-19 muốn biết cơ thể có sinh kháng thể bảo vệ khỏi virus hay chưa nhưng hiện chưa có các biện pháp xét nghiệm. Ở Việt Nam tại các cơ sở y tế chưa triển khai điều này nên việc xem xét mình có kháng thể hay chưa vẫn chưa làm được.
Mũi một tác dụng phụ nặng có tiêm mũi 2 không?
Vắc xin Covid-19 mới đưa vào sử dụng và cần ít nhất 1 năm để đánh giá. Mũi hai là đưa thêm kháng nguyên vào cơ thể để làm tế bào miễn dịch tăng cường trí nhớ, sinh đủ kháng thể bảo vệ cơ thể. Về nguyên tắc tiêm mũi 1 phản ứng nặng thì mũi hai nguy cơ phản ứng nặng cao hơn nhiều.
Vì vậy, thạc sĩ Thái lưu ý chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Với vắc xin AstraZeneca họ cũng lưu ý nếu trường hợp mũi 1 có phản vệ, tác dụng phụ nặng thì mũi sau không nên tiêm vì nguy cơ của tiêm vắc xin cao hơn lợi ích ta muốn đạt được.
Những người có tiền sử dị ứng, phản vệ hết sức cân nhắc trước khi tiêm. Ngoài tiền sử dị ứng, khi đi tiêm chủng người tiêm cũng cần khai báo đầy đủ các bệnh mình đã có. Trường hợp người tiêm có nhịp thở bất ổn, mạch nhanh, huyết áp bất ổn thì không nên tiêm.
Người đã mắc Covid-19 có tiêm không?
Thạc sĩ Thái cho biết với người đã mắc Covid-19 không tiêm vắc xin vì tiêm vắc xin có thể làm bệnh nặng hơn. Còn người đã khỏi bệnh nhưng không còn miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trước virus thì có thể tiêm phòng thêm vắc xin. Nhưng hiện tại ở Việt Nam thì người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng qua không chỉ định tiêm vắc xin Covid-19.
K.Chi
Sau tiêm vắc xin Covid-19 nên ăn gì, kiêng gì?
Người có chế độ ăn uống khoa học có thể mang lại hiệu quả của vắc xin Covid-19 tốt hơn là người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học.
Sau khi tiêm vắc xin bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?
Câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra - sao cùng đi tiêm về mà có người bị sốt, có người không. Vậy sốt hay không sốt là tốt hơn? Có phải khi bị sốt thì cơ thể mới có miễn dịch?