Người đái tháo đường cảnh giác với từng nốt mụn nhỏ
Theo TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ BV Đa khoa Xanh Pôn người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) thông thường có những tổn thương ngoại vi dù sớm hay muộn. Nếu người bệnh tự ý điều trị, điều trị không đúng cách sẽ đối diện với nhiều nguy cơ.
Đắp mụn từ thầy lang, người phụ nữ loét thành bụng nguy cơ nhiễm trùng huyết |
Đắp thuốc thầy lang chữa tắc tĩnh mạch, nguy cơ nhiễm trùng huyết
Từng mắc đái tháo đường 12 năm nhưng lại chữa nốt mụn từ thầy lang vườn, người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng ổ apxe thành bụng vỡ thành vết loét lớn nguy cơ nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh Đào Thị Đ, 54 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội, mắc đái tháo đường 12 năm, nhập viện trong tình trạng loét thành bụng do đắp thuốc lá, nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Được biết, cách đây vài tuần, bệnh nhân cảm thấy ngứa vùng bụng bên phải, gãi thấy buốt. Sau đó, tại vùng bụng xuất hiện nốt mụn nhỏ, kích thước bằng hạt đỗ xanh. Thời gian sau mụn nhanh chóng to bằng hạt ngô, rồi hạt nhãn. Lo lắng trước tình trạng của mình, chị Đ đã đi khám tại nhà một thầy lang ở Bắc Giang do người nhà giới thiệu.
Tại đây, chị Đ được thầy lang chẩn đoán tắc tĩnh mạch, rửa bằng Betadine và rắc thuốc bột. Do không lấy được đầu ngòi nên sau mỗi lần rửa lại bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng loét.
Sau khi bôi lọ thuốc bột và xoa bóp bằng thuốc nước (không rõ là thuốc gì) của thầy lang cung cấp, nốt vỡ khô miệng nhưng vùng bụng cứng lên, cơn đau không ngừng tăng. Sau ba hôm chịu đựng cơn đau nhức nhối không ăn không ngủ được, bệnh nhân Đ đã đến khám tại bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ổ apxe thành bụng đã vỡ tạo thành vết loét lớn, kích thước 8cm×8cm, đe dọa nhiễm trùng huyết, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh nhân Đ đã được khoa Điều trị tích cực điều trị trong hai tuần, thực hiện ổn định đường huyết, chích rạch, tháo mủ ổ apxe, kết hợp kháng sinh liều cao.
Một bệnh nhân khác cũng điều trị không đúng cách khiến bàn chân bị biến chứng lở loét |
Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, người mắc ĐTĐ thông thường có những tổn thương ngoại vi dù sớm hay muộn. Do những tổn thương này khiến bệnh nhân thường mất cảm giác nên nhiều khi không đánh giá đúng mức độ tình trạng (đau, ngứa, bỏng...).
Trong khi đó, nhiều người bệnh lại tự ý điều trị, hoặc chữa bằng các biện pháp "mách nhau" hoặc xử lý những tổn thương bằng thuốc lá, thuốc nam. Điều này vô cùng nguy hiểm. Tại BV Xanh Pôn từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng chân rất nặng ...
'Mỗi khi mùa đông đến, chúng tôi tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân biến chứng tiểu đường ở bàn chân với những vết thương bỏng da, cháy da rất nhiều", TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, việc phải "khắc phục" những tổn thương này gây tổn thất cho bệnh nhân về phương diện tinh thần, gây ra nhiều đau đớn, lo lắng mà còn về phương diện kinh tế.
Với trường hơp bệnh nhân Đ. các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương cho biết, chi phí cho ca điều trị lên tới khoảng 50 triệu. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu, bệnh nhân đến khám ở một cơ sở y tế chuyên khoa về nội tiết thì sẽ được điều trị sớm và đúng cách, nốt mủ nhỏ sẽ nhanh chóng lành bệnh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định
6 giây có một người chết vì căn bệnh này
Bệnh đái tháo đường đang là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo dữ liệu thống kê năm 2014, trên toàn cầu hiện có khoảng 422 triệu người đang phải đối mặt với căn bệnh này (chiếm 8,5% dân số Thế giới). Như vậy, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng báo động là cứ 3 giây lại có một bệnh nhân bị đái tháo đường mới được phát hiện. Nghiêm trọng hơn, cứ 6 giây trôi qua, thế giới lại thêm một người chết vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Tạ Văn Bình - Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam cho biết: “không phải là quốc gia có tỷ lệ bệnh đái tháo đường lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam nằm trong số quốc gia có bệnh đái tháo đường đang phát triển nhanh nhất”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong suốt 10 năm qua, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng 211%. Cũng theo một thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam mỗi ngày có đến hơn 150 người chết vì bệnh đái tháo đường, cao gấp 7 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Căn bệnh này đang ngày càng đặt nhiều gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế và an sinh xã hội của Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
TS. BS Đỗ Đình Tùng cũng nhấn mạnh, người bệnh đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết thông qua việc tuân thủ các nguyên tắc của kiềng 3 chân: chế độ dinh dưỡng, luyện tập, và dùng thuốc.
Theo đó, đối với chế độ dinh dưỡng, người đái tháo đường hạn chế sử dụng đường đơn như đường tinh luyện, đường kính,… vì hấp thu nhanh. Đường đa là đường tự nhiên trong hoa quả, ngũ cốc,… hấp thu chậm hơn nên cần ưu tiên sử dụng.
Đồng thời người mắc đái tháo đường cũng cần tăng cường vận động. Việc tập luyện thường xuyên làm cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, năng lượng này được sản sinh do việc tiêu thụ đường ở mô cơ (năng lượng được giải phóng từ đường). Từ đó, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống.
Đặc biệt hiện nay, chưa có giải pháp chữa khỏi bệnh đái tháo đường, do đó người bệnh phải duy trì dùng thuốc suốt đời. Nếu không, đường huyết sẽ tăng cao không kiểm soát được và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Tính đến thời điểm hiện tại, có nhiều phương pháp điều trị đái tháo đường, phòng và điều trị biến chứng được người bệnh áp dụng. Đó là điều trị bằng Tây y, điều trị bằng Đông y và điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp. Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị bởi những bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị, tránh trường hợp biến chứncó thể xảy ra.
Bác sĩ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng nhấn mạnh, bệnh cảnh nhiễm trùng ở bệnh nhân đái tháo đường rất phức tạp và nguy hiểm mặc dù ban đầu trông có vẻ nhẹ. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường khi có bất kỳ nhiễm trùng nào dù nhẹ đều nên đến khám tại Bệnh viện để điều trị đúng chuyên khoa, giảm thiểu tối đa chi phí điều trị và biến chứng.
N. Huyền