Trẻ 13 tuổi nhức đầu, giảm thị lực… đi khám phát hiện mang căn bệnh vốn chỉ gặp ở người lớn
Có hiện tượng nhức đầu, mặt đỏ bừng, giảm thị lực, thừa cân…, bé gái 13 tuổi được cha mẹ đưa đi khám bệnh thì phát hiện ra căn bệnh vốn chỉ gặp ở người lớn.
Bất ngờ với căn bệnh của con
Bé N.T.T.H. (13 tuổi, trú tại Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên than thở với cha mẹ nhức đầu, giảm thị lực. Mẹ của H. còn cho rằng con chơi điện thoại nhiều nên giảm thị lực và có hiện tượng trên.
Mẹ H. cấm điện thoại nhưng hiện tượng mờ mắt, nhức đầu của bé không giảm. Khi đưa con đi viện khám, cả ba mẹ H. đều bất ngờ khi bác sĩ cho biết bé bị tăng huyết áp tiềm ẩn - căn bệnh vốn chỉ gặp ở người lớn tuổi.
Hay trường hợp của bé Đỗ Q.C. (12 tuổi, trú tại Phú Nhuận, TP.HCM) được ba mẹ đưa đi khám vì C. thường xuyên đánh trống ngực, vã mồ hôi.
Mẹ của C. cho biết con trai chỉ cần đi bộ 100 mét là mệt, đánh trống ngực. Gần đây, bé còn có hiện tượng thi thoảng muốn ói nên gia đình đưa đi khám.
Với chẩn đoán tăng huyết áp, cả bố và mẹ bé đều bất ngờ. C. 12 tuổi nhưng nặng hơn 70 kg. Cậu nghiện các thực phẩm là đồ ăn nhanh, nước ngọt. Buổi sáng, ba mẹ đi làm, đồ ăn sáng của C là chai nước ngọt và bánh mì kẹp thịt.
Bác sĩ cho rằng thói quen ăn uống không lành mạnh chính là tác nhân gây nên tăng huyết áp dù tuổi còn rất trẻ. C. được bác sĩ kê đơn thuốc đồng thời đảm bảo thay đổi lối sống, tập luyện thể dục nhiều hơn.
Ảnh minh hoạ. |
BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh tăng huyết áp có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ, thậm chí ở trẻ sơ sinh, đặc biệt nguy cơ cao ở trẻ béo phì.
Nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ
BS Phúc cho biết tăng huyết áp ở trẻ sơ sinh có thể do các nguyên nhân: dị dạng cấu trúc thận bẩm sinh, huyết khối tĩnh mạch thận, bệnh lý mạch máu, hẹp eo động mạch chủ, chấn thương thận cấp tính, nhiễm rubella bẩm sinh, vôi hóa động mạch vô căn,...
Tăng huyết áp ở trẻ lớn có liên quan đến bệnh lý tim mạch, bệnh thận mãn tính, đái tháo đường type 2, tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh tăng huyết áp; thói quen ăn uống chưa khoa học (nhiều muối & dầu mỡ), ít vận động, thừa cân, béo phì…
Theo BS Phúc, bệnh tăng huyết áp ở trẻ không có dấu hiệu đặc trưng nhất định. Một số dấu hiệu như chóng mặt, nhức đầu, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, nhìn kém,... có thể cảnh báo tình trạng tăng huyết áp.
Nếu trẻ đã xuất hiện các triệu chứng tim đập nhanh, giảm thị lực, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, vã mồ hôi… nghĩa là trẻ đang ở trong tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp.
'Với tăng huyết áp kéo dài không triệu chứng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm như suy tim, suy thận, đột quỵ hay mất thị lực' BS Phúc cho biết.
Với trẻ tăng huyết áp, bác sĩ khuyến cáo trẻ cần có dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều trái cây, rau xanh, sữa ít béo, các loại hạt và đậu. Hạn chế tối đa sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường, chất béo có hại hay muối (chỉ dùng 1 - 2 g/ngày cho trẻ 4 - 8 tuổi; 1,5 g/ngày cho trẻ lớn hơn).Tăng cường vận động: nâng cao sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Trẻ có tiền sử gia đình tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá…
Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn có nhiều muối hoặc đồ ăn ngọt, hạn chế các món rán, xào nhiều dầu mỡ. Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo bão hoà như mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, lòng phủ tạng, lòng đỏ trứng. Tránh thức ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, trẻ cần được nghỉ ngơi, vui chơi vận động vừa sức, dùng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, khám đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa.
K.Chi