Mẹ sợ cắt amidan con sẽ có giọng 'ái nam ái nữ'
Con thường xuyên bị viêm amidan nhưng bà mẹ lại sợ con cắt amidan sẽ bị khàn giọng, nói giọng ái nam ái nữ nên vẫn chưa cắt dẫn đến viêm amidan biến chứng nặng.
Đưa con trai 7 tuổi đi khám, chị Dương Thị Du (35 tuổi, Thái Bình) cho biết con trai chị bị viêm amidan nhiều lần. Gần đây, tình trạng viêm amidan của bé nặng hơn. Khi đi khám, bác sĩ cho biết bé bị áp xe họng có hốc mủ.
Nghe tới áp xe, vợ chồng chị Du sợ hãi nên quyết định đưa con lên Hà Nội khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm amidan biến chứng không chỉ áp xe có hốc mủ mà còn biến chứng cả viêm tai.
Chị Du cho biết hầu như năm nào bé cũng bị viêm amidan vài lần. Mỗi lần con ốm, chị lại cho con tới một phòng khám mua thuốc uống. Người bán thuốc còn động viên chị đến năm 5 tuổi trẻ sẽ hết không cần phải mổ nên bà mẹ này càng yên tâm hơn.
Tuy nhiên, gần đây, bé sốt liên tục, đau họng không ăn được nên chị Du cho con đi kiểm tra kỹ hơn. Chị Du cho rằng cắt amidan của con sau này bé sẽ nói giọng khàn khàn hoặc ái nam ái nữ. Ông bà nội cũng không đồng ý cho bé cắt amidan.
Đến khi bác sĩ giải thích trường hợp của bé biến chứng nặng, áp xe và thậm chí có thể gây ngưng thở khi ngủ bố mẹ của bé mới đồng ý cho con làm phẫu thuật cắt amidan.
PGS An thực hiện ca mổ cắt amidan cho trẻ. |
Hay trường hợp của bé Nguyễn Thanh Trúc – Hưng Yên được mẹ đưa đi khám vì bé thường xuyên ngủ gà, ngủ gật, nói giọng như ngạt mũi. Bác sĩ phát hiện bé thường xuyên rơi vào tình trạng ngừng thở khi ngủ do amidan to, VA quá phát. Con có chỉ định cắt amidan từ lâu nhưng mẹ của bé Trúc sự con phải gây mê nên chần chừ chưa cho con mổ.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BV Đa khoa An Việt, bác sĩ khám cho bé Thanh Trúc cho biết bé bị viêm amidan thể có cuống. Amidan có cuống sẽ chẹn đường thở của bé. Nhưng cắt amidan có cuống lại thuận lợi chỉ mất 3 đến 5 phút là giải phóng đường thở cho trẻ.
Theo PGS An đối với viêm amidan cấp: dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng, nhưng tốt nhất theo kháng sinh đồ. Điều trị triệu chứng: dùng các thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, giảm ho. Tuy nhiên, một số trường hợp phải chỉ định cắt bỏ amidan để tránh các biến chứng.
Với những trẻ bị viêm amidan mãn tính, bệnh nhân hay sốt vặt, cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết.
Hơi thở của trẻ có mùi hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan. Bệnh nhân thường ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng khi mới ngủ dậy. Giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ.
Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể thở khò khè, đêm ngủ ngáy to. Nếu amidan quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, đặc biệt có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Biến chứng tại chỗ như viêm tấy và áp xe quanh amidan, nhiễm khuẩn tạo thành mủ giữa amidan và bao amidan, bệnh nhân thường đau tăng, đau lan lên tai, nuốt đau, không nuốt được, nước bọt chảy ra, miệng há khó khăn.
Thậm chí, viêm amidan còn biến chứng nhiễm trùng toàn thân, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim.
Theo PGS An, phẫu thuật amidan được chỉ định cắt khi trẻ bị viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn đường hô hấp, ngừng thở khi ngủ hoặc viêm amidan tái phát nhiều lần từ 7 lần/năm, viêm amidan mạn tính, gây thở hôi kéo dài.
PGS An cho biết hiện nay có thể phẫu thuật amidan bằng phương pháp Palasma khiến việc phẫu thuật amidan, nạo VA không còn chảy máu, trẻ hồi phục rất nhanh.
Thiết bị này đã được triển khai ở Việt Nam rất nhiều ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Khi thực hiện cắt amidan trẻ được gây mê không xâm lấn, trẻ tỉnh dậy trở về bình thường rất nhanh. Quá trình phẫu thuật cắt amidan xong eo họng của trẻ được giãn rộng ra thì trẻ sẽ dễ chịu, hết khó thở ngay lây tức.
K.Chi