Rượu rắn, bìm bịp uống rất tanh nhưng cố vì 'một người uống, hai người vui'
Từ trước tới nay các sản phẩm giúp cải thiện sinh lý luôn được các quý ông săn lùng và đặc biệt là các loại rượu rắn, rượu bìm bịp, tắc kè…
Khoe bình rượu 'ngũ xà' ngâm với 5 con rắn là hổ mang, cạp nong, hổ trâu, rắn ráo và rắn sọc dưa cuộn tròn trong bình thuỷ tinh, anh Nguyễn Vượng Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết từ khi có bình rượu này anh thấy cuộc sống của mình vui vẻ hẳn.
Mỗi lần uống rượu tuy hơi khó nhưng uống xong cảm thấy hừng hực khí thế hơn, chuyện vợ chồng cũng được cải thiện hơn rất nhiều.
Mỗi lần ăn cơm hoặc trước khi đi ngủ, anh Hải lại lấy cốc rượu khoảng 80ml ra nhâm nhi một mình. Rượu này anh ngâm được 3 năm, vẫn còn mùi tanh nhưng vì nghĩ tới bổ nên cố uống. Anh Hải cho rằng “thuốc đắng dã tật”.
Không riêng gì anh Hải, trong cộng đồng Adam, nhiều quý ông say mê sưu tập các loại rượu rắn, rượu tắc kè, bìm bịp… vì chúng được quảng cáo là rượu 'một người uống hai người vui, ông uống bà khen'.
Anh Vũ Văn Hùng (Thành phố Thái Nguyên) chia sẻ mấy năm trước anh cũng được bạn tặng bình rượu rắn, vì chưa tới 50 tuổi nên anh không dám uống.
Tới sinh nhật tuổi 50, anh hồi hộp lấy cốc rượu múc ra. Rược vàng sánh nhìn rất ngon nhưng khi uống vào thì anh nôn thốc nôn tháo vì “tanh” không uống được. Sau đó, bình rượu rắn đã được anh đem tặng lại cho một đồng nghiệp khác.
Người này có thâm niêm nhâm nhi rượu rắn nên thích món rượu này. Thấy người bạn khen tác dụng rất tốt cho chuyện ấy, dù tiếc hùi hụi, cũng ham khoẻ cho vợ vui nhưng tanh nên anh Hùng đành thôi.
Rượu rắn được quảng cáo “một người khoẻ, hai người vui” |
Còn anh Hoàng Quy (Ba La, Hà Đông) được bạn tặng bình rượu ngâm với bìm bịp nguyên con. Ba chú bìm bịp nằm trọn trong bình rượu và được quảng cáo giúp quý ông tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, anh Quy uống vài lần không thấy hiệu quả. Hơn nữa, mỗi lần uống anh không thấy ngon mà cố uống cho 'khoẻ'.
TS Phạm Việt Hoàng – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cho biết nhiều quý ông cho rằng các loại rượu ngâm từ con vật, củ sâm, ba kích có thể làm cho họ tăng cường sức mạnh mày râu. Trong đó, rượu rắn, rượu tắc kè, bìm bịp được nhiều quý ông sử dụng.
Các loài rắn, tắc kè là các loài bò sát máu lạnh, thường sống ở những nơi ẩm thấp, hang hốc, những nơi hoang vắng ít người qua lại như nghĩa địa. Thức ăn chủ yếu của chúng đa phần là các sinh vật ốm yếu, bệnh không có khả năng tự vệ, bỏ chạy trước kẻ thù.
Vì vậy, trong cơ thể chúng chứa rất nhiều vi khuẩn mang mầm bệnh mà theo quy luật sinh tồn chỉ có bản thân các loài rắn, tắc kè mới có kháng thể chống lại, còn con người thì không.
Chẳng những thế, trên vảy của các loài kể trên, hay trên lỗ chân lông của bìm bịp còn chứa vô số các loài ký sinh trùng, thậm chí các loài hút máu như rận, rệp, ve nếu đem soi kỹ dưới kính hiển vi.
Trên thành ruột, bao tử của các loài rắn còn chứa đầy các túi sán, sẵn sàng xâm nhập cơ thể con người.
Khi ngâm rắn rết, tắc kè, bìm bịp, tay gấu… người ta thường ngâm sống trong rượu nhưng các loài ký sinh vi khuẩn đó vẫn có khả năng tồn tại được trong môi trường rượu có nồng độ cồn cao sau tận 3-5 năm.
TS Hoàng cho rằng khi đó nếu quý ông uống thì có thể nhiễm các loại ký sinh trùng, vi khuẩn. Thực tế, nhiều quý ông vào viện than phiền vì nhiễm ký sinh trùng từ các loại rượu này, bổ dương đâu chưa thấy đã nuốt phải vô số vi khuẩn vào ruột rồi.
Chưa kể rắn là loại có độc, nhiều người cho rằng phải ngâm nguyên con mới tốt. Rắn được ngâm toàn tính để nguyên con rắn tươi sống vào ngâm rượu phần nọc rắn vẫn còn. Sau một thời gian ngâm, nọc rắn hòa tan vào rượu. Dù chỉ uống một lượng nhỏ loại rượu này cũng có thể bị ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hoặc nhiều người ngâm rắn với các vị khác để giảm độ tanh. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cho rằng không phải sự kết hợp nào cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh những công dụng được “thần thánh hóa” của rượu rắn, rượu tắc kè, rượu bìm bịp ngâm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên coi rượu ngâm các loài động vật là một loại rượu thuốc bổ.
K.Chi