Ngộ độc rượu, tử vong sau 30 phút nhập viện
Trong vụ ngộ độc rượu ở TP.HCM, hiện 2 trường hợp nguy kịch đang phải thở máy, lọc máu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và 2 bệnh nhân khác được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Trước đó, một nhóm gồm 8 sinh viên đã uống rượu tại một quán ăn trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM), sau đó bị ngộ độc rượu phải cấp cứu tại các bệnh viện.
Đến chiều qua 6/8, đã có 2 trường hợp tử vong, trong đó có 1 người đã tử vong sau 30 phút nhập viện vì ngộ độc rượu methanol. 6 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tích cực.
Trong số 4 sinh viên bị ngộ độc rượu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có 2 trường hợp nguy kịch đang phải thở máy, lọc máu tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. 2 người còn lại đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Nội tiết - Thận.
Trước đó, 2 bệnh nhân nguy kịch đều nhập viện trong trạng thái thiếu tỉnh táo, đau đầu, chóng mặt, nôn ói nhiều, đau bụng… Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu rất cao. Hiện tại, 1 người đang có tiến triển, nồng độ methanol trong máu giảm, 1 người vẫn còn nặng.
Ngoài ra, có 2 bệnh nhân khác cũng đang được điều trị tại tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Ảnh bệnh nhân ngộ độc rượu. |
Thời gian qua các bác sĩ liên tiếp gặp các trường hợp ngộ độc rượu. Đặc biệt, vào cuối tháng 7 tại Cà Mau cũng xảy ra tình trạng ngộ độc rượu tập thể.
Ngày 25/7 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận bà N.T.L. (37 tuổi) và Đ.T.L. (44 tuổi, cùng ngụ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy.
Dù các bác sĩ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả hai đã không qua khỏi. Hai nạn nhân sau đó được chẩn đoán ngộ độc rượu, nghi ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Nhóm bệnh nhân cùng nhau uống rượu nhiều ngày liên tiếp và dẫn tới vụ ngộ độc.
Theo TS Hoàng Văn Quang - Trưởng Khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Thống Nhất, ngộ độc cấp rượu là bệnh lý gặp rất nhiều trong thời gian đây. Những người nhập viện đều là người trẻ, họ uống rượu đế vì nghĩ là rượu gạo nhưng thực chất rượu này đã được pha methanol và người uống bị ngộ độc cấp, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60 % nếu mức độ nặng.
Biểu hiện ngộ độc tuỳ thuộc vào lượng rượu, tốc độ uống như thế nào và thường xảy ra sau 12 giờ sau uống rượu. Đặc biệt, ngộ độc xuất hiện sớm từ 12 đến 24 giờ sau uống rượu thì đây là ngộ độc rất nặng. Bệnh nhân có tổn thương võng mạng, tăng chuyển hoá, ức chế thần kinh trung ương gây ra tình trạng hôn mê.
TS Quang cho biết trước đó ở giai đoạn hậu dịch Covid-19 năm 2021, công ăn việc làm của nhiều người bị ảnh hưởng, họ bị áp lực việc mưu sinh nên tỷ lệ số ca ngộ độc methanol càng tăng lên. Trước đó một năm chỉ vài ca nhưng sau Covid-19 chỉ qua 3, 4 tháng bác sĩ ghi nhận hơn 20 ca.
BS Quang cho biết ngộ độc rượu điều trị thành công nhiều bệnh nhân gần như tàn phế vì không thể nhìn thấy được gì.
BS Lê Công Thuyên – Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM cho biết methanol là cồn công nghiệp được sử dụng trong các dung môi công nghiệp. Methanol hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hoá. Bản thân methanol tác dụng giống ethanol như say rượu nhưng sau đó methanol lại chuyển hoá thành formaldehyde và axit formic với độc tính cao gấp nhiều lần gây ra tình trạng toan chuyển hoá, độc với các tạng đặc biệt là thần kinh và thị giác.
BS Thuyên cho biết ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Bản thân methanol không gây độc mà do methanol chuyển hoá thành formaldehide sau đó men này chuyển thành axit formic.
Khi ngộ độc axit formic gây ra tình trạng toan chuyển hoá, gây ức chế cơ quan hô hấp, gia tăng suy hô hấp khiến người bệnh suy hô hấp và tuần hoàn, gây tổn thương thần kinh thị giác ở bệnh nhân ngộ độc methanol.
BS Thuyên cho biết tháng 7/2022 nhiều trường hợp ngộ độc methanol đang xâm nhập trở lại ở các tỉnh phía Nam.
Vì vậy, bác sĩ Quang khuyến cáo người dân chỉ dùng sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, được các cơ quan chức năng kiểm định và cho phép sử dụng, không sử dụng những sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, có dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt không sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tự pha,...
K.Chi