Khấm khá nhờ hái “lộc biển” trên ghềnh đá
Cuối tháng 10 âm lịch, người dân lại ra các ghềnh đá ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hái rong mứt biển. Nhìn tuy đơn giản, nhưng nghề cũng lắm rủi ro và cần phải kiên trì, chăm chỉ.
Những ngày ngày, chị Nguyễn Thị Nhị (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cùng những phụ nữ trong xóm đến xã đảo Tam Hải hái rong mứt. Từ cuối tháng 10 đến tháng 1 âm lịch năm sau, tại ghềnh đá Bàn Than rong mứt đang vào mùa. Cùng với chiếc rổ nhỏ, chị Nhị thoăn thoắt bứt những thân rong đen óng, nhơn nhớt bám chặt trên ghềnh đá.
"Nghề nguy hiểm, bởi rong thường mọc ở ghềnh đá trơn trượt nên đi hái phải trông chừng sóng lớn đánh vào. Đừng ham rong mà quên con sóng dữ, chỉ cần sơ sẩy là bị sóng đánh rớt xuống biển như chơi", chị Nhị nói và chia sẻ từ nhỏ đã theo mẹ đi hái rong mứt. Sau này lớn lên, chị đi hái cùng các phụ nữ trong xóm.
Chị Nhị cũng cho hay, nhìn tuy đơn giản nhưng để đi hái được "lộc biển" thì không phải ai cũng đủ sự kiên trì, chăm chỉ. “Hái rong mứt phải tùy thuộc vào con nước, khi thủy triều xuống thì bãi đá lộ thiên mới hái được. Đến lúc nước lên thì dừng công việc nên mỗi ngày chỉ hái khoảng 3-5 giờ”, chị tiết lộ.
Theo người dân địa phương, công việc không phải đầu tư nhiều, chỉ cần mua đôi dép chống trơn, áo mưa, rổ nhựa và bì đựng. Tuy nhiên, do thường xuyên tiếp xúc đá, vỏ hàu sắc nhọn nên bà thi thoảng bị cứa đứt da. Ngoài ra, do phải cúi người lâu nên lưng mỏi, đòi hỏi phải dẻo dai mới lấy được nhiều rong.
Bà Huỳnh Thị Bảy (xã Tam Quang) cho biết thêm hái rong mứt vào lúc sáng sớm, cần phải mặc áo mưa để chống lại giá rét, sương sớm của biển. Do các ghềnh đá thường trơn trượt nên người đi hái mứt phải mang những đôi dép có độ bám cao, mang áo phao để hạn chế trầy xước hoặc rơi xuống biển khi cạo rong.
Bà Bảy cho biết thêm, những năm gần đây, giá rong mứt biển rất cao, dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Cũng chính vì được giá nên số lượng người trong xã đi hái rong mứt biển ngày càng nhiều. Nếu chịu khó và thời tiết ủng hộ thì chỉ cần vài giờ đồng hồ, người dân có thể kiếm được vài trăm ngàn trang trải chợ búa hàng ngày. Nếu ai may mắn hơn thì sau một mùa mứt, họ có thể thu nhập lên đến vài chục triệu đồng.
"Hôm nay tôi hái được tầm 1 kg rong mứt. Những người giỏi hơn có thể hái từ 1,5-2 kg bán được gần 500.000 đồng. Nếu người nào có nhiều con cái theo phụ thì kiếm được gần một triệu đồng", bà bà Bảy chia sẻ và cho biết, số rong về nhà rửa sạch rồi bỏ vào tấm vải màn vắt sạch nước. Sau đó từng cọng rong được bà trải lên tấm phên tre dài để phơi giữa trời.
Người có kinh nghiệm trong việc chế biến rong mứt cho biết, sản phẩm này ở đây rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển. Rong tươi và khô đều dùng nấu canh hoặc làm gỏi rất ngon. Rong mứt là sản vật quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều người coi rong mứt là sâm biển. Hiện nay, rong mứt không chỉ bán cho những người dân hay du khách đến chơi đảo mà còn làm quà gửi đến bà con ở nước ngoài.
Rong mứt sau khi thu hoạch sẽ được người dân rửa qua nước biển, rồi rửa thêm 2 lần nước ngọt, sau đó được đem bán tươi hoặc phơi khô tùy thời tiết, giá cả. Sợi mứt càng dài, càng óng và dày thì giá càng cao.
Rong mứt hay còn gọi là rong mứt biển, rong biển đen, tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta, sinh sống và phát triển tự nhiên ở vùng nước lợ hoặc vùng nước biển nông. Loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường.
Rong mứt có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh tôm, thịt băm, cá khoai tươi, tép, hến hoặc củ quả.
Hồ Ca