Khắc phục thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân cao tuổi
Bệnh viện TP Thủ Đức cũng nhộn nhịp bệnh nhân đến mua thuốc theo toa của bệnh viện. Bà Đ.T.N. (68 tuổi) cầm toa thuốc mua có ghi mã BHYT với chẩn đoán mắc u ác đại tràng buồn bã nói: "Tháng trước tôi khám đâu có thuốc, phải bỏ tiền túi ra mua thuốc 4 - 5 triệu đồng". Cám cảnh hơn, bà còn được bác sĩ chỉ định ra ngoài mua cả bơm tiêm tự động với giá 590.000 đồng/cái. Nếu theo quy định bà N., được bảo hiểm y tế thanh toán hết các khoản đó.
Còn ông Nguyễn Minh H. (71 tuổi, trú tại Đồng Tháp) ông H. lên TP.HCM điều trị bệnh có chuyển tuyến. Theo quy định ông được hưởng BHYT 100 % nhưng trước tình trạng cái gì cũng thiếu thì ông phải bỏ tiền ra mua sắm cho mình. Nếu trước đây, khi chuyển BHYT được 1 năm ông cứ yên tâm điều trị thì hiện tại thuốc thiếu.
Bà Đào Thị Lin, 69 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM cũng bức xúc hiện tại thuốc huyết áp và mạch vành của bà Lin phải mua 1 nửa. Trước đó nhờ có BHYT bà không phải mua mà chỉ đi khám. Nhưng hiện tại thiếu thuốc bà vẫn dùng, bác sĩ thông báo đổi thuốc nhưng bà uống không hợp gây biến chứng ho, mệt mỏi nên cuối cùng gia đình tự túc bỏ tiền mua thuốc. Mỗi tháng, bà Lin phải chi hết gần 2 triệu đồng cho các thuốc mỡ máu, tim mạch của mình.
Không chỉ thiếu thuốc, vật tư y tế còn khó hơn. Có bệnh viện ở Hà Nội hiện đang thiếu... gel sử dụng khi siêu âm, lý do mặt hàng này chưa công khai giá trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế, chưa đủ điều kiện để đấu thầu. Có bệnh viện thiếu từ bơm kim tiêm, dây truyền dịch...
Một bệnh viện khác đang thiếu phôi phim sử dụng cho máy chụp cộng hưởng từ, chụp CT. Trong bệnh viện thì các bác sĩ chuyển hình ảnh chụp qua phần mềm cho các khoa cùng xem, thăm khám, với bệnh nhân họ đành sao ra các thiết bị lưu giữ cho bệnh nhân cầm về thay vì trả phim chụp cho bệnh nhân.
PGS.BS.Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay tình trạng thiếu thuốc BHYT khiến các cơ sở y tế KCB ban đầu gặp khó khi điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây, gây áp lực quá tải trong điều trị lên bệnh viện tuyến trên.
Theo PGS.Thượng, lý do là đến nay, chỉ có bệnh tuyến trên (tuyến quận/huyện, tuyến thành phố) mới có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây. Còn mạng lưới hơn 300 TYT, trong danh mục thuốc BHYT hiện nay, chưa có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây (huyết áp, tiểu đường...). Trong khi đó, với các trường hợp điều trị cấp, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe, bác sĩ ở BV tuyến trên hoàn toàn có thể chỉ định bệnh nhân tiếp tục điều trị lâu dài tại các trạm y tế gần nhất, vừa thuận lợi cho bệnh nhân, vừa giải áp quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Theo PGS.Thượng, lý do là đến nay, chỉ có bệnh viện tuyến trên (tuyến quận/huyện, tuyến thành phố) mới có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây. Còn mạng lưới hơn 300 trạm y tế, trong danh mục thuốc BHYT hiện nay, chưa có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây (huyết áp, tiểu đường...). Trong khi đó, với các trường hợp điều trị cấp, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe, bác sĩ ở BV tuyến trên hoàn toàn có thể chỉ định bệnh nhân tiếp tục điều trị lâu dài tại các TYT gần nhất, vừa thuận lợi cho bệnh nhân, vừa giải áp quá tải cho BV tuyến trên.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM tiến hành một khảo sát về nhu cầu điều trị bệnh mạn tính không lây tại các trạm y tế. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 77,8% người cao tuổi mắc bệnh mạn tính không lây muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế, nếu đơn vị y tế gần dân nhất này có đủ thuốc như BV tuyến trên. Được biết, khảo sát được thực hiện trên 100% bệnh nhân BHYT, với các bệnh mạn tính không lây chia theo tỷ lệ trên tổng số người được khảo sát: Tăng huyết áp (77%); rối loạn lipid máu (34%); bệnh xương khớp mạn tính (29%); đái tháo đường (9%); hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính (4%).
Để sớm hóa giải bất cập này, Sở Y tế TP.HCM đang khẩn trương trình UBND TP.HCM, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam về việc xin được triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở (được quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT). Cụ thể, bổ sung 50 loại thuốc có danh mục thuốc của tuyến 3 (theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT) sử dụng cho các BV tuyến quận/huyện trong điều trị các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính...
Song song đó, Sở Y tế TP.HCM cũng sớm trình UBND TP.HCM và Bộ Y tế cho phép thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bên cạnh 129 hoạt chất theo quy định, còn nhiều thuốc thiết yếu khác rất cần cho y tế cơ sở (do nhu cầu ít nên khó tiến hành đấu thầu riêng lẻ); trong đó, có 50 loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị.
K.Chi