Chỉ đạo khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 8563 ngày 20/12 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc chỉ đạo khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Vừa qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng về thông tin báo chí, dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có công tác thanh tra.
Theo bài báo "Doanh nghiệp đang gặp khó: Cần giảm những thanh tra, kiểm soát không cần thiết", trong các tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu nguồn vốn… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành kinh tế.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần thiết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua nâng cao cạnh tranh của các doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn hơn cho doanh nghiệp, giảm mọi chi phí, để phục hồi kinh tế… Phải giảm mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát không cần thiết, bởi việc kiểm tra, giám sát quá mức sẽ thành gây phiền hà, quấy nhiễu doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thời gian, sức lực tập trung phát triển doanh nghiệp.
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu các nội dung bài báo phản ánh để có biện pháp xử lý theo quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Tại hội nghị Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/ NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 9/12, báo cáo cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có những bước tiến mạnh mẽ.
Tính chung năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), quá đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh;
Đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cũng đã được đưa vào vận hành.
Ngân Khánh