Khả năng hội nhập "không ngờ" của nhóm CLMV với ASEAN trong 20 năm
Bài báo đăng trên tờ Bangkok Post của tác giả Kavi Chongkittavorn nhận định, khi số quốc gia thành viên ASEAN tăng lên thành 10 nước vào năm 1999, nhiều người hoài nghi tổ chức này sẽ không thể tồn tại lâu. Nguyên nhân là do ASEAN mở rộng quy mô một cách nhanh chóng nhưng các nước thành viên mới gia nhập lại chưa sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế tư bản.
Khả năng hội nhập "không ngờ" của nhóm CLMV với ASEAN trong 20 năm. (Ảnh minh họa) |
Dù xuất phát điểm còn nhiều yếu kém, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhanh chóng đón nhận Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Lào làm các nước thành viên mới. Bốn quốc gia này được xếp vào nhóm CLMV nghĩa là nhóm các nước kém phát triển nhất trong ASEAN. Các nước CLMV cũng được coi là nhóm các nước mới nhất gia nhập ASEAN.
Vào thời điểm đó, câu hỏi đặt ra là liệu nhóm CLMV có thể bắt kịp và hành động chung với các nước thành viên gia nhập ASEAN từ trước? Liệu 10 nước thành viên ASEAN có thể tồn tại trong bối cảnh xuất hiện khoảng cách lớn về sự phát triển cùng sự khác biệt về văn hóa chính trị giữa các thành viên? Và 20 năm sau, câu trả lời đã quá rõ ràng. Tất cả các nước thành viên ASEAN đã chứng minh khả năng tương tác toàn diện trong 3 trụ cột phát triển chính là kinh tế, chính trị và an ninh cũng như lĩnh vực văn hóa xã hội.
Hoạt động mở rộng các quốc gia thành viên của khối ASEAN diễn ra trong thời điểm thế giới không còn nơi tranh đấu hệ tư tưởng giữa các cường quốc. Một mô hình mới đã xuất hiện sau 10 năm Bức tường Berlin sụp đổ và tạo ra một viễn cảnh kinh tế - chính trị khu vực mà ở đó cả những nước là bạn hay là thù đều chung tay và theo đuổi sự phát triển, hợp tác. Đó cũng chính là thời điểm thích hợp để ASEAN mở rộng quy mô hoạt động nhằm tăng vị thế cạnh tranh và đàm phán của tổ chức.
Trong nhóm CLMV, Việt Nam đã chứng minh là quốc gia đi đầu sau khi ra nhập ASEAN vào năm 1995. Trong 24 năm làm thành viên, Việt Nam hiện đứng đầu nhóm CLMV về khả năng tương tác và tốc độ đưa ra quyết định với các nước còn lại của ASEAN. Thậm chí, Việt Nam còn truyền cảm hứng cho các nước thành viên ASEAN học hỏi. Thêm vào đó, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và giữ ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020 – 2021, Việt Nam đang thể hiện tham vọng và tầm nhìn ngoại giao quốc gia. Chính sách ASEAN tiên phong của Việt Nam cũng đã giúp Việt Nam đứng đầu trong tiến trình gây dựng quan hệ với các nước phương Tây.
Trong 10 năm đầu tiên làm thành viên ASEAN, Việt Nam đã phải tìm cách thích nghi với “đường lối của ASEAN” và nhanh chóng làm quen, thậm chí hiện giờ là thông thạo. Một số nhà ngoại giao ASEAN ở Jakarta đã từng thảo luận về “Đường lối của Việt Nam ở ASEAN”.
Vị thế của Việt Nam càng được nâng tầm trong vai trò lần đầu giữ ghế Chủ tịch ASEAN vào năm 2010. Việt Nam đã phác thảo các mối quan hệ tương lai cho ASEAN với các đối tác đối thoại trong những vấn đề chủ chốt của khu vực như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Từ đây, Việt Nam đã thúc đẩy ASEAN hợp tác với các nước ngoài tổ chức. Song đây là phương thức đôi khi khiến những nhà lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ trong khối ASEAN cảm thấy không thoải mái.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất ở ASEAN. Kể từ thời kỳ cải cách kinh tế năm 1984, Việt Nam đã ký kết 17 thỏa thuận thương mại tự do dù mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chưa được xem là nền kinh tế thị trường. Với tư cách là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có thêm cơ hội tiến tới các thỏa thuận thương mại tự do cấp cao. Đó chính là lý do Việt Nam muốn vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình vào cuối năm 2040.
Trong khi đó, ba quốc gia còn lại trong nhóm CLMV là Campuchia, Lào và Myanmar cũng được đánh giá là hòa nhập tốt với ASEAN, dù họ vẫn đang vướng phải những rào cản kỹ thuật để hội nhập mà chủ yếu là đơn giản hóa các thủ tục liên quan tới kinh tế, pháp luật và quy định.
Đối với Campuchia, Lào và Myanmar, mục tiêu chính gần đây của ba quốc gia này là tập trung vào thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và mở rộng xuất khẩu. Trong thời gian tới, những đặc quyền thương mại từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được cho là cú huých cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của nhóm CLMV. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU đều đe dọa rút tên khỏi các thỏa thuận thương mại ưu tiên nếu như Campuchia và Myanmar không có giải pháp làm xoa dịu mối quan ngại về vi phạm nhân quyền.
Dự đoán từ Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từng nhận định vào năm 2017, Campuchia và Lào được xem là những “tiểu hổ kinh tế” với mức tăng trưởng GDP trung bình 7,5% - 8%.
Dù Campuchia đối mặt với sự chỉ trích về hoạt động điều hành của chính phủ, nhưng không thể phủ nhận tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vẫn tiếp tục tăng cũng như tăng được sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Campuchia hiện là một trong những thị trường tài chính mở cửa nhất ở ASEAN.
Với Lào, quốc gia này đã chứng minh được vai trò thành viên đặc biệt trong ASEAN. Lào trở thành cầu nối giữa hai ông lớn châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ thông qua những dự án kết nối khu vực và toàn cầu có sự tham gia của quốc gia 7 triệu dân này. Dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Lào tập trung vào hoạt động đa dạng hóa nguồn phụ thuộc xuất khẩu thủy điện sang các nước làng giếng mà chủ yếu là Thái Lan. Bên cạnh đó, Lào hy vọng có thể thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất trên thế giới vào năm 2030.
Đặc biệt nhất là trường hợp của Myanmar, quá trình hội nhập của quốc gia này vào ASEAN không hề dễ dàng. Dù gia nhập ASEAN vào năm 1997 nhưng tới năm 2014, Myanmar mới lần đầu tiên được giữ ghế Chủ tịch ASEAN. Quá trình chuyển giao mở cửa kinh tế và chính trị của Myanmar bắt đầu vào năm 2011 đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế từng bị cô lập ở khu vực Đông Nam Á. Từ đây, Myanmar trở thành trung tâm thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài và du lịch.
Ở tuổi 52, ASEAN được đánh giá là may mắn khi mà các nước thành viên cùng thi hành những kế hoạch hành động chung mà không vi phạm quy tắc cơ bản được tổ chức đưa ra là không can thiệp cũng như tôn trọng quyền quyết định của các thành viên. Dù chịu ảnh hưởng từ những biến động không lường trước, nhưng quá trình hội nhập giữa các thành viên mới và cũ ASEAN cũng sẽ được cải thiện thêm trong những năm tới.