Kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam về dược phẩm và y tế
Ngày 5/7, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm, y tế.
Tại Hội nghị, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh, ngành dược Ấn Độ đã và đang là công xưởng về thuốc của thế giới, do đó, có nhiều cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong lĩnh vực dược phẩm và y tế.
Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh liên kết hợp tác đa dạng nhóm ngành khác trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực dược phẩm và y tế như chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế... để hướng đến phát triển bền vững mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp và hai nước.
Hiện nay, Ấn Độ đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 về giá trị trong ngành này. Những công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Australia... và doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, nhất là sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Còn thống kê, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân với giá trị tiêu thụ thuốc bình quân đầu người khoảng 64 USD/năm. Đồng thời, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và trở thành điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI cho hay, về quan hệ thương mại thì Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, hai quốc gia đã đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Viêt Nam-Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau, trong đó có lĩnh vực dược phẩm và y tế.
Cơ hội phát triển dược phẩm cho Việt Nam. |
Gần đây, Việt Nam cũng đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược, Chính phủ Việt Nam đã có các ưu đãi đối với đầu tư sản xuất thuốc, vaccine, khuyến khích nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, sản xuất thuốc mới…
Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế, ngoài được cập nhật thông tin cơ chế chính sách, tiềm năng thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh... cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn được hỗ trợ gặp gỡ, giao thương trực tiếp.
Ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ là một đóng góp chính cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu với sức mạnh tiềm tàng của nguồn lao động khoa học lớn và năng lực nghiên cứu phát triển mạnh mẽ đã tiến triển trong gần 50 năm qua. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ ngày nay nằm trong số những công ty cạnh tranh nhất trong lĩnh vực vắc xin và thuốc gốc trên thế giới, kể cả ở các nền kinh tế phát triển.
Với tư cách là “Nhà thuốc của thế giới”, Ấn Độ luôn đứng đầu chiến tuyến khi toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19. Khi mối quan tâm của cả thế giới chuyển sang các mối quan tâm chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19, Việt Nam có thể có nhiều lợi ích từ quan hệ đối tác trong lĩnh vực y tế với Ấn Độ, bao gồm cả việc mua sắm thuốc gốc từ Ấn Độ có thể giúp Việt Nam giảm đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe.
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2022). Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, thương mại song phương đã tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 10 tỷ USD, mục tiêu năm 2022 là 15 tỷ USD.
Do đó, hội thảo là cơ hội tăng cường hoạt động liên kết các đơn vị xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sản xuất và phân phối về trao đổi thông tin, hợp tác tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa hai nước, đặc biệt là việc xúc tiến thương mại phát triển các sản phẩm đặc trưng.
Khánh Chi