Kem Thủy Tạ Bờ Hồ và những điều ít người biết
Nhà hàng Thủy Tạ có vị trí đắc địa bên hồ Hoàn Kiếm. |
CTCP Thủy Tạ đã chính thức giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM kể từ ngày 20/06 với mã chứng khoán TTJ, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, TTJ đã tăng giá 70% khi đạt mức giá 49.900 đồng/cổ phiếu.
Theo bản công bố thông tin, hiện Thủy Tạ đang sở hữu khoảng 25,210 m2 đất thuê lâu năm. Trong đó, chủ yếu tập trung tại trung tâm Hà Nội được công ty sử dụng kinh doanh, với 1,110 m2 tại quận Hoàn Kiếm và 1.600 m2 tại quận Hai Bà Trưng. Ngoài ra, Công ty hiện có 22.500 m2 đất thuê tại Hưng Yên, đang được sử dụng làm văn phòng.
Cụ thể, Kem Thủy Tạ đang sở hữu mảnh đất 1.600m2 làm văn phòng và phân xưởng sản xuất tại phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; mảnh đất 22.500m2 tại xã Lạc Hồng, tỉnh Hưng Yên cũng là đất làm văn phòng, thuê theo từng năm. Đáng chú ý là các khu đất trung tâm như 339,08m2 đất văn phòng, kinh doanh nhà hàng tại số 6 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; cửa hàng kinh doanh số 3 Lê Thái Tổ rộng gần 195m2; nhà hàng và cửa hàng kinh doanh rộng 296m2 tại số 1 Lê Thái Tổ; cửa hàng kinh doanh tại 97 Hàng Gai rộng gần 58m2 và 1 cửa hàng kinh doanh tại số 8 Hàng Thùng, Hà Nội. Tất cả các khu đất này được thuê 3 năm/lần, Kem Thủy Tạ đóng tiền thuê đất hàng năm theo chủ trương của UBND TP Hà Nội từ năm 2016.
Cơ cấu cổ đông của Kem Thủy Tạ khá cô đặc khi Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nắm giữ 51,25%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nắm giữ 10%, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương nắm giữ 11,17%, cùng 2 cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Kiểm soát nắm giữ 10,25%, và bà Nguyễn Minh Hương nắm giữ 9,42%. Như vậy, các tổ chức và cá nhân trên đang sở hữu tổng cộng 92,09% trong tổng số 30 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty.
Cơ cấu cổ đông của Kem Thủy Tạ khá cô đặc. |
Công ty, được thành lập vào năm 1958, khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh nước giải khát. Đến năm 1999, công ty mở rộng sản xuất và đi vào hoạt động nhà máy kem công nghiệp. Năm 2002, công ty đầu tư nhà máy thực phẩm và nước giải khát tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Một năm sau đó, công ty tiếp tục ra mắt nhà máy nước đá viên Pha Lê, công suất 100 tấn/ngày.
So với thị trường chung, Kem Thủy Tạ chỉ tập trung khai thác thị trường Hà Nội nhưng cũng chiếm đến 10% thị phần chung. Hệ thống cửa hàng kem Thủy Tạ hiện đã lên đến con số 259 cửa hàng, tập trung tại khu vực trung tâm Hà Nội. Trong đó, có 31 cửa hàng tại quận Hoàn Kiếm, 48 cửa hàng tại quận Hai Bà Trưng, 28 cửa hàng tại quận Ba Đình, 50 cửa hàng tại quận Đống Đa, 23 cửa hàng tại quận Cầu Giấy, 26 cửa hàng tại quận Gia Lâm, 30 cửa hàng tại quận Tây Hồ và 23 cửa hàng tại quận Thanh Xuân.
Ngoài ra, công ty còn đang sở hữu cửa hàng Photolab Hồng Vân cùng 3 nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bao gồm: Nhà hàng Đình Làng, nhà hàng Mamarosa và nhà hàng Long Vân.
Kem Thủy Tạ trước đây là DN 100% vốn nhà nước, được IPO vào tháng 10/2005 với mức giá đấu thành công bình quân 21.172 đồng/cổ phiếu.
Năm 2016 công ty đạt 110 tỷ đồng doanh thu, dự kiến năm 2017 đạt 115 tỷ đồng, duy trì mức tăng nhẹ 5% giai đoạn 2015-2017. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 7,4 tỷ đồng, năm 2017 dự kiến đạt 8 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản Kem Thủy Tạ đạt 62 tỷ đồng, vốn chủ sỡ hữu đạt 47 tỷ, trong khi nợ phải trả công ty hiện đạt 14 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay tại Thủy Tạ khá thấp, đạt khoảng 3.3 tỷ tính đến cuối năm 2016. Cùng với đó, lưu lượng tiền mặt tại Công ty hiện có hơn 5.5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015.
Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Vietnam Market Intelligence (EMI), tiêu thu kẹm tại Việt Nam đã tăng 15%/năm tính theo giá trị giai đoạn 2013-2016, bao gồm tăng trưởng sản lượng 6%/năm. Khoảng 70% lượng kem tại Việt Nam được bán thông qua các điểm bán lẻ theo hình thức kem ăn ngay hoặc kem hộp mang về, trong khi 30% còn lại được bán thông qua các cửa hàng dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán cà phê, thường có giá cao hơn.
Cũng theo EMI, ngoài Kido Foods đang thống lĩnh thị trường với 35% thị phần với thương hiệu kem Merino và Celano, 3 “ông lớn” khác đang so kè về thị phần là Unilever/Wall’s (10%), Thủy Tạ (10%), và Vinamilk (9%). 36% thị phần còn lại thuộc về các cửa hàng kem cao cấp ở thành thị, và các DN nhỏ lẻ với các sản phẩm rẻ tiền đang thống trị khu vực nông thôn.